Đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Tập trung vào yếu tố nhân lực

(PLO) - Mặc dù công tác phổ biến giáo dục pháp luật đã đạt nhiều kết quả tích cực, song theo Bộ Tư pháp: “Đội ngũ nhân lực thực hiện công tác phổ biến pháp luật còn nhiều hạn chế về mặt kỹ năng, trình độ chuyên môn”. Đổi mới công tác phổ biến pháp luật thì một trong những vấn đề quan trọng là củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này.
Tuyên truyền pháp luật về bầu cử cho bà con dân tộc ở Quảng Ninh. (Ảnh minh họa)
Tuyên truyền pháp luật về bầu cử cho bà con dân tộc ở Quảng Ninh. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Tư pháp, hiện cả nước có 1.134 báo cáo viên pháp luật Trung ương, 5.439 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 13.797 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 121.178 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ cán bộ pháp chế làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở các bộ, ngành, địa phương được củng cố, kiện toàn theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ với 1.545 người.

Về cơ bản, với số lượng đội ngũ nhân lực thực hiện công tác PBGDPL ngày càng được mở rộng, với chất lượng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từng bước được cải thiện, đội ngũ này đã có nhiều đóng góp quan trọng, là cầu nối để chuyển tải chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân. 

Tuy nhiên, đội ngũ nhân lực thực hiện công tác PBGDPL còn nhiều hạn chế về mặt kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn công tác PBGDPL. Các hoạt động tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng mặc dù được tổ chức thường xuyên nhưng nội dung, hình thức tổ chức còn thiếu đa dạng, phong phú chưa sát với nhu cầu thực tế, vì vậy chưa phát huy hiệu quả tối đa trong việc nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ này. 

Theo Dự thảo chương trình PBGDPL từ năm 2016-2021 do Bộ Tư pháp đang đưa ra lấy ý kiến thì một trong các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL là củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác này.

Theo đó, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL tại các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, chính trị xã hội nghề nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hơn, có trình độ cao, nghiệp vụ PBGDPL giỏi, chuyên sâu theo từng lĩnh vực pháp luật và được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ PBGDPL; tập trung thực hiện hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về công tác PBGDPL.

Nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ tư pháp, lực lượng báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tham gia PBGDPL tại cơ sở; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức tham gia PBGDPL tại cơ sở như nhóm nòng cốt vận động nhân dân chấp hành pháp luật, tổ hòa giải cơ sở; tổ chức bồi dưỡng, đào tạo về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ PBGDPL định kỳ cho đội ngũ này; cung cấp tài liệu pháp luật và các điều kiện cần thiết khác hỗ trợ cho đội ngũ này thực hiện PBGDPL.

Bên cạnh đó, huy động các luật sư, luật gia và những người làm công tác pháp luật khác tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với công tác PBGDPL. Khuyến khích đội ngũ này thực hiện PBGDPL miễn phí cho các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội.

 Đặc biệt, xây dựng quy hoạch cán bộ có ngoại ngữ, biết tiếng dân tộc, người dân tộc thiểu số tạo nguồn cán bộ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn pháp lý, nghiệp vụ PBGDPL cho lực lượng làm công tác PBGDPL tại vùng miền núi, dân tộc thiểu số, người nước ngoài ở Việt Nam với kế hoạch và chính sách đặc thù; tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực PBGDPL.

Cán bộ đóng vai trò nòng cốt, tuy nhiên, những yếu tố khác được xác định cũng quan trọng không kém trong công tác PBGDPL như phát huy vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, tiếp tục hoàn thiện thể chế; tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Hội đồng PBGDPL; đổi mới nội dung và hình thức, đặc biệt là đẩy mạnh xã hội hóa công tác PBGDPL huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia công tác này.

Đọc thêm