Đã đến lúc doanh nghiệp gỗ phải thay đổi cách vận hành

(PLVN) - Khi Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa EU và Việt Nam thực thi, các doamh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang thị trường khác ngoài EU vẫn phải tuân thủ các quy định của Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (VNTLAS). 
Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ hợp phá,  DN phải thay đổi các vận hành.
Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ hợp phá, DN phải thay đổi các vận hành.

VNTLAS áp dụng cho mọi doanh nghiệp ngành gỗ

Hiệp định VPA/FLEGT có hiệu lực từ ngày 01/6/2019. Đây là một hiệp định quan trọng tác động đáng kể đến xuất - nhập khẩu với EU và cũng thể hiện sự cam kết mạnh mẽ và quyết tâm của Việt Nam trong việc đẩy lùi và ngăn chặn khai thác rừng và thương mại gỗ bất hợp pháp.

Tại phiên họp lần thứ hai Ủy ban thực thi chung (JIC) về Hiệp định VPA/FLEGT tháng 6 vừa qua, ông Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam - đã đánh giá cao sự nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Hiệp định. 

Ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh: Trong bối cảnh quan hệ giữa hai bên ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt năm 2020 là năm đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai bên, Hiệp định VPA/FLEGT cùng với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa hai bên.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn, Việt Nam đã tích cực chủ động triển khai Hiệp định, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT tại Quyết định 1624/QĐ-TTg ngày 14/11/2019. 

“Đến nay đã có 17 tỉnh và thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định của địa phương. Và Dự thảo Nghị định về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) đã được trình Chính phủ và dự kiến sẽ được Chính phủ thông qua và có hiệu lực trong những tháng tới…” - Thứ trưởng Tuấn cho hay.

Theo VNTLAS, các doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ trong nước hay quốc tế bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp bao gồm: tuân thủ những quy định về nguồn gốc gỗ và lưu thông/vận chuyển gỗ; đáp ứng các yêu cầu về kê khai và báo cáo kiểm soát chuỗi cung ứng, tuân thủ các quy định về hồ sơ chứng từ… 

Tuy nhiên, khảo sát thực tế cho thấy nhiều DN đang lo lắng vì chưa hiểu được các khía cạnh pháp lý và những việc DN cần làm để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định. 

Theo TS.Trương Quang Hoàng – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung  (CRD), kết quả khảo sát đánh giá của CRD cho thấy, các DN vẫn còn gặp khó khăn trong việc tuân thủ đầy các yêu cầu về gỗ hợp pháp theo dự thảo VNTLAS…

Các đại biểu tham dự Phiên họp lần thứ 2 Ủy ban Thực thi chung về Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU
Các đại biểu tham dự Phiên họp lần thứ 2 Ủy ban Thực thi chung về Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU 

Ứng dụng công nghệ để dễ chứng minh tính hợp pháp

Bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) - cho biết, CED đã phối hợp cùng với Tổng cục Lâm nghiệp trong nhiều năm qua trong việc giới thiệu, tuyên truyền VPA/FLEGT tới DN và người dân trên nhiều vùng miền của đất nước nên bám khá sát mức độ nhận thức và hiểu biết của DN, của hộ trồng rừng và mức độ sẵn sàng với việc thực hiện VPA/FLEGT.

CED cũng thấy hiện rất nhiều DN và hộ trồng rừng chế biến gỗ chưa lưu tâm đến việc tuân thủ về môi trường, về phòng cháy chữa cháy, về hợp đồng lao động… rất nhiều DN không lưu trữ chứng từ như bảng kê lâm sản, hợp đồng, hóa đơn mua bán…  

Đưa ra lời khuyên với các DN, bà Tô Kim Liên lưu ý: “Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, và để DN thuộc nhóm tốt, DN phải thay đổi cách vận hành, quản lý, thói quen sản xuất, kinh doanh để đáp ứng được toàn bộ yêu cầu theo quy định của pháp luật để gỗ và sản phẩm gỗ được coi là hợp pháp”. 

Giám đốc CED lưu ý:  Khi Hiệp định VPA/FLEGT thực thi, các DN tiêu thụ các sản phẩm gỗ tại thị trường nội địa hoặc xuất khẩu sang thị trường khác ngoài EU vẫn phải tuân thủ các quy định của VNTLAS. 

Một cấu phần quan trọng của VNTLAS là Hệ thống phân loại DN (OCS). OCS sẽ phân DN thành Nhóm tuân thủ là các DN đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên và Nhóm không tuân thủ bao gồm các DN không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên hoặc các DN mới thành lập dưới 1 năm.

Vì vậy Giám đốc của CED khuyên các DN gỗ cần phải lưu ý việc ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin cập nhật các tiêu chí đánh giá phân loại DN. Đồng thời chủ động tự đánh giá và đề nghị xếp loại DN trên Hệ thống phân loại DN của cơ quan Kiểm lâm. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin đánh giá sự tuân thủ pháp luật của DN sẽ bảo đảm việc đánh giá của cơ quan Kiểm lâm được khách quan, chính xác và kịp thời.

Đọc thêm