Đã khởi tố 64 vụ án với 506 bị can liên quan đến sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 28/3/2023, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả kết công tác công an Quý I năm 2023. Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an chủ trì họp báo
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an chủ trì họp báo. Ảnh Bộ CA
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an chủ trì họp báo. Ảnh Bộ CA

Liên quan đến các vụ án đăng kiểm, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết," đến nay Công an 32 địa phương và Cục Cảnh sát hình sự đã khởi tố 64 vụ án với 506 bị can. Các đối tượng phạm tội đã trục lợi chính sách để hưởng lợi cá nhân với số tiền rất lớn".

Theo đó, người phát ngôn Bộ Công an cũng cho hay, từ năm 2018 đến năm 2022, các đối tượng đã cấu kết với 73 công ty thiết kế, cải tạo có trụ sở ở 18 tỉnh, thành phố để kiểm định cho gần 40.000 xe cơ giới, cải tạo, trong đó có rất nhiều phương tiện không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được cấp giấy phép thẩm định. Bộ Công an sẽ tiếp tục điều tra.

Ngoài ra, để giải quyết vấn đề ùn tắc đăng kiểm hiện nay, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đã cử cán bộ hỗ trợ đăng kiểm. Mặt khác, quy trình kiểm tra đăng kiểm phải thực hiện đủ 55 hạng mục theo đúng quy định nên thời gian đăng kiểm sẽ lâu hơn.

Liên quan đến vụ án nhóm doanh nhân đánh bạc ở tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tướng Tô Ân Xô thông tin" đến nay mới khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can. Bộ Công an hiện đang phân loại các đối tượng, trong thời gian tới có thể sẽ tiến hành khởi tố một số trong 22 người đang bị tạm giữ.

Liên quan đến các vụ lừa đảo qua điện thoại, qua mạng hiện nay, đặc biệt là hiện tượng sử dụng trí tuệ nhân tạo để giả hình ảnh, giả giọng nói người thân để lừa đảo trong thời gian gần đây. Đại diện Công an TP Hà Nội nhấn mạnh," tội phạm trên không gian mạng hiện nay diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn. Đây là loại tội phạm không biên giới, có gắn kết nước ngoài.

Hiện nay, lực lượng Công an đã có nhiều buổi làm việc và phối hợp với các nước bạn, phối hợp điều tra chung để bắt giữ các loại đối tượng này. Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội cũng đã có nhiều cuộc họp, mời các ngân hàng, hội sở, điểm giao dịch để đưa ra các biện pháp phòng ngừa. Tại điểm giao dịch ngân hàng, Công an TP còn gắn biển cảnh báo đối với hành vi lừa đảo. Qua đây, đề nghị các cơ quan báo chí thường xuyên thông báo về các hình thức thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, lan tỏa thông tin để người dân cảnh giác".

Tại buổi họp báo, đại diện Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết thêm, về thủ đoạn sử dụng công nghệ giả hình ảnh, giọng nói của người quen của bị hại nhằm chiếm được lòng tin để vay tiền, chuyển tiền, Cục A05 đã báo cáo lãnh đạo Bộ và đã có điện chỉ đạo đến Công an các đơn vị, địa phương tập trung nắm tình hình, tuyên truyền, phổ biến phương thức thủ đoạn phạm tội này đến đông đảo quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, Cục A05 cũng đã tổ chức làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng về định danh tài khoản điện thoại, định danh tài khoản ngân hàng để làm sạch toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu về tài khoản ngân hàng, tiến tới tất cả tài khoản được mở bằng tài khoản chính chủ, xa hơn nữa là nhắm tới việc định danh khi thực hiện giao dịch, đảm bảo có thể kiểm soát tốt dòng tiền, có thể phong tỏa dòng tiền khi tội phạm lừa đảo xảy ra.

Đại diện Cục A05 cũng khuyến nghị, người dân phải thường xuyên cập nhật thêm những thông tin về các phương thức thủ đoạn lừa đảo mới trên các phương tiện truyền thông, phải bảo mật các thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội, đồng thời phải cảnh giác cao khi người quen tương tác với mình qua mạng xã hội có các yêu cầu giao dịch về mặt tài chính có dấu hiệu bất thường thì cần liên hệ trực tiếp với người đó để tránh thành nạn nhân của các vụ lừa đảo.

Đọc thêm