Đà Lạt quyết tâm giữ vững vị thế 'thành phố sáng tạo âm nhạc' của thế giới

(PLVN) - Gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã khó nhưng giữ được danh xưng này càng khó hơn. Bởi vậy, việc nghiêm túc thực hiện, triển khai hiệu quả các sáng kiến đã cam kết có ý nghĩa quan trọng để Đà Lạt giữ vững "thương hiệu" thành phố sáng tạo âm nhạc. 

Trái ngọt

Ngày 2/11, UBND TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức gặp mặt, trao đổi với báo chí về sự kiện Đà Lạt được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là thành phố sáng tạo âm nhạc.

Bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch TP Đà Lạt đã tóm tắt lại quá trình từ thai nghén ý tưởng cho đến lập đề án, gửi hồ sơ đăng ký Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo về âm nhạc của UNESCO.

Bà Trần Thị Vũ Loan tóm tắt hành trình đưa Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo.

Trước đó, năm 2021, Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021. Chiến lược này đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có từ 1 đến 3 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, âm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn hóa và âm nhạc.

Tháng 9/2022, Bộ VHTT&DL được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo UNESCO trong năm 2022. Đà Lạt được lựa chọn là một trong 8 thành phố của Việt Nam (cùng với TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Hải Phòng) tham gia phối hợp thực hiện việc xây dựng Đề án.

Hội thảo tham vấn xây dựng hồ sơ ứng cử của Đà Lạt.

Tháng 5/2022, đội ngũ các chuyên gia tư vấn của Đề án đã thực hiện các đợt nghiên cứu đánh giá tiền khả thi đối với TP Đà Lạt và nhận định lĩnh vực âm nhạc là lĩnh vực mà thành phố có lịch sử phát triển, có thành tựu và tiềm năng trở thành một lĩnh vực mang lại nhiều tác động kinh tế - văn hoá - xã hội trong thời gian tới.

Ba tháng sau, UBND TP Đà Lạt đã báo cáo và nhận được sự thống nhất của UBND tỉnh Lâm Đồng về chủ trương TP Đà Lạt nộp hồ sơ đăng ký tham gia mạng lưới UCCN năm 2023 trong lĩnh vực âm nhạc. Cuối tháng 6/2023, ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP Đà Lạt ký Thư đề nghị UNESCO cùng hồ sơ đăng ký Đà Lạt gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.

Từ khi gửi hồ sơ, lãnh đạo TP Đà Lạt vẫn không ngừng phấn đấu, hiện thực hoá khát vọng đưa "thành phố ngàn hoa" vào bản đồ những thành phố sáng tạo âm nhạc của thế giới. Chẳng hạn, tháng 8/2023, lãnh đạo UBND TP Đà Lạt đã có chuyến công tác tại thành phố Edinburgh, Scotland (Vương Quốc Anh) - một thành phố nổi tiếng là thành phố Văn học UNESCO, văn chương, kiến trúc, Lễ hội hàng đầu thế giới để quảng bá tiềm năng, thế mạnh Đà Lạt nhằm kết nối và tạo dựng các mối quan hệ hợp tác, liên kết với ngành văn hóa nghệ thuật của Scotland và cộng đồng nghệ thuật quốc tế nói chung.

Lãnh đạo TP Đà Lạt cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông đã lan toả hình ảnh thành phố.

TP Đà Lạt cũng đã có buổi gặp mặt, chia sẻ, kêu gọi sự ủng hộ đối với hồ sơ ứng cử của thành phố đối với đại diện thành phố Glasgow (thành phố sáng tạo lĩnh vực Âm nhạc UNESCO năm 2009) và thành phố Dundee (thành phố sáng tạo lĩnh vực Thiết kế UNESCO năm 2008).

Ngày 13/10/2023, nhân chuyến viếng thăm công tác Đoàn chuyên gia Hội đồng Anh Scotland đến thăm Đà Lạt, thành phố đã tổ chức buổi trao đổi tọa đàm với chủ đề “Phát triển thành phố sáng tạo tại Scotland và Việt Nam”...

Thách thức

Ngày 31/10/2023, theo Trang thông tin chính thức của UNESCO, nhân ngày Thành phố thế giới, Đà Lạt đã được UNESCO vinh danh, gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc. Năm 2023 là cột mốc quan trọng đánh dấu TP Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển (1893 - 2023). Cùng nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc được thực hiện xuyên suốt trong năm, sự kiện TP Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thành phố.

Chủ tịch Đà Lạt, ông Đặng Quang Tú ấn nút gửi hồ sơ.

Bà Loan nhấn mạnh, để có được thành quả có vai trò không nhỏ của các doanh nghiệp như Công ty CP tập đoàn Hoa Sen, Coffee Là Việt, Cầu Đất Farm, Thung lũng tình yêu... "Các doanh nghiệp đã chung tay cùng thành phố tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc, qua đó góp phần giúp Đà Lạt được công nhận thành phố sáng tạo âm nhạc, đơn cử như Công ty Hoa Sen đã hỗ trợ nguồn lực rất nhiều cho quá trình xây dựng đề án", bà Loan ghi nhận.

Ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch thành phố chia sẻ, cá nhân ông không chỉ là lãnh đạo địa phương mà còn là người con của Đà Lạt. Cả chiều 31/1, vị Chủ tịch chủ trì cuộc họp về thu ngân sách nhưng tâm trạng nôn nao, hồi hộp chờ kết quả bình chọn từ UNESCO. Ngay khi nhận tin Đà Lạt gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO, ông cùng tập thể lãnh đạo TP Đà Lạt vui mừng khôn xiết.

“Được gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã khó nhưng giữ được càng khó hơn. Thời gian tới Đà Lạt tập trung vào 3 trách nhiệm chính; thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn dân bởi thành quả là của toàn nhân dân Đà Lạt; thứ hai, triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo; thứ ba, thực hiện các cam kết với UNESCO”, Chủ tịch TP Đà Lạt nói.

Ông Tú chia sẻ niềm vui khi nhận tin Đà Lạt được công nhận thành phố sáng tạo âm nhạc.

Lãnh đạo TP Đà Lạt cũng như đại diện các Sở, ngành tỉnh Lâm Đồng cũng nhìn nhận, để phát huy hiệu quả nguồn lực thành phố sáng tạo của UNESCO, chặng đường phía trước còn nhiều thách thức. Đơn cử như vấn đề nguồn lực; hoặc hiện nay Đà Lạt vẫn chưa có một cơ sở đào tạo chuyên ngành âm nhạc nào để cung cấp nguồn nhân lực kế cận trong tương lai…

Dự kiến vào ngày 30/12/2023 – đúng dịp kỷ niệm 130 Đà Lạt hình thành và phát triển, thành phố sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO. Hưởng ứng sự kiện này sẽ là chương trình nghệ thuật đặc biệt dành cho những ca sĩ, nghệ sĩ sinh ra, lớn lên, dành tình yêu cho Đà Lạt, sống tại “thành phố ngàn hoa” và hát những ca khúc về Đà Lạt.

Để gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO, Đà Lạt cam kết thực hiện 3 sáng kiến trong nước, 3 sáng kiến cam kết với UNECO.

3 sáng kiến trong nước gồm:

-Di sản âm nhạc của tương lại (nghiên cứu, lưu trữ kho tàng kiến thức và thực hành âm nhạc truyền thống của các nhóm dân tộc Đà Lạt với sự nghiên cứu của cộng đồng; thử nghiệm sáng tạo từ chất liệu âm nhạc truyền thống giới trẻ);

-Giáo dục âm nhạc vì cộng đồng (đánh giá năng lực cùng nhu cầu giáo dục âm nhạc của các đối tượng; hợp tác sáng tạo, thực hiện các giải pháp giáo dục đào tạo âm nhạc...)

-Củng cố hệ thống mạng lưới không gian sáng tạo (xây dựng bản đồ nghệ thuật Đà lạt đa phương tiện, xây dựng Trung tâm nghệ thuật Đà Lạt)

3 sáng kiến quốc tế gồm:

-Hoà âm cồng chiêng Đông Nam Á (tổ chức liên hoan Hoà âm cồng chiêng Đông Nam Á với hoạt động chính là trải nghiệm không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên và thể hiện nghệ thuật biểu diễn âm nhạc truyền thống tại không gian cộng đồng...)

-Chương trình Thanh âm của đại ngàn (Dự án hợp tác giữa Đà Lạt với các thành phố âm nhạc trong mạng lưới thành phố sáng tạo âm nhạc nhằm giúp người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tìm lại kết nối giữa mình và thiên nhiên...)

-Festival âm nhạc quốc tế Langbiang (dự kiến sẽ là Festival âm nhạc lớn nhất của Đà Lạt , tổ chức 2 năm 1 lần nhằm thúc đẩy các hoạt động sáng tạo trong cộng đồng, đưa các ý tưởng và thực hành âm nhạc đến gần công chúng...)

-

Đọc thêm