Thưa ông, những sự cố dừng, thu hồi dự án như thế này sẽ gây tác động như thế nào tới môi trường đầu tư cũng như thu hút đầu tư tại Đà Nẵng?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Tôi nghĩ dứt khoát những việc này sẽ có yếu tố tác động tới môi trường đầu tư của Đà Nẵng. Và nếu xu hướng này không được giải thích rõ ràng thì nó sẽ gây ra tác động tiêu cực. Bởi như chúng ta thấy một dự án đã triển khai với đầy đủ văn bản, quy trình pháp lý rồi, nhưng sau bao nhiêu năm tự dưng lật lại đúng các vấn đề vốn đã được giải quyết khi xét duyệt dự án. Bản thân nhà đầu tư gặp rủi ro rất lớn. Đó là đã vay nợ hàng mấy trăm tỉ mà dừng như vậy, hiệu quả dự án sẽ suy giảm.
Còn môi trường đầu tư, sau những trục trặc vừa rồi trên địa bàn Đà Nẵng, người ta trông chờ rất lớn một sự cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Nhưng với cách làm như thế này sẽ chỉ khiến cho các nhà đầu tư phân vân, đặc biệt các nhà đầu tư lớn.
Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Bất động sản ven sông Hàn |
Chúng ta biết rằng đối với Đà nẵng, sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn có ý nghĩa quyết định. Tôi không phủ nhận vai trò của các DN nhỏ và vừa nhưng vai trò dẫn dắt định hình là thuộc về những doanh nghiệp lớn. Do vậy những sự việc như thế này rất ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Hội nghị thế này rất ý nghĩa vì nó tạo ra áp lực để chính quyền Đà Nẵng giải quyết nhanh vấn đề. Tôi có niềm tin là những vấn đề đụng tới dòng chảy mà tác động quá mức thì sẽ được căn chỉnh. Nhưng cơ bản các dự án sẽ được tiếp tục.
Có ý kiến phản biện dự án Marina Complex cho rằng, việc phát triển đô thị bên sông Hàn là đánh đổi môi trường lấy phát triển. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Bản chất của đánh đổi là gì? Là muốn phát triển phải vượt qua cái cũ, phải không tiếp tục giữ cái cũ. Đánh đổi hiện trạng cũ để có một chân dung mới.
Khi chấp nhận đánh đổi hiện trạng cũ thì chắc chắn lợi ích của một lực lượng nào đó sẽ bị tổn hại. Nhưng thay vì thế, chúng ta sẽ có lợi ích khác. Do đó cách tiếp cận là phải đánh đổi sao cho lợi ích toàn thể phải lớn hơn lợi ích cục bộ, lợi ích ngắn hạn. Nếu không sẽ gây ra phản ứng tiêu cực.
Những xung đột lợi ích bao giờ cũng có. Vấn đề là ứng xử với điều đó thế nào bởi các nhóm lợi ích bao giờ cũng đưa thông tin theo hướng có lợi cho họ. Cách thông tin dự án tới công chúng nhiều khi thiếu hụt, méo mó, hay còn gọi là bất đối xứng thông tin.
Thưa ông, ông có nói lợi ích của chính quyền chính là uy tín? Vậy qua câu chuyện này ông đánh giá uy tín chính quyền Đà Nẵng ảnh hưởng như thế nào?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Khi anh đã phê duyệt dự án, thậm chí nhiều lần điều chỉnh dự án, mỗi lần điều chỉnh là 1 lần đứng trước 1 thách thức. Nếu anh biện minh được lí do của sự điều chỉnh thì uy tín cao lên. Còn nếu ảnh điều chỉnh mà anh không biện minh được thì uy tín sẽ suy giảm. Lần này Đà Nẵng đưa dự án ra thông tin công khai minh bạch là cách để đối diện với thách thức về uy tín.
Tôi cho rằng dù đưa ra quyết định điều chỉnh có thể dừng dự án hay cho phép tiếp tục thì tính giải trình phải cao. Nghĩa là thông tin phải công khai, minh bạch. Chúng ta hay gặp một tình trạng là không giải trình công khai, minh mạch. Vì khi giải trình với công luận, các luận cứ phải cao.
Nhưng các ý kiến phản biện cũng cần có những luận chứng, lập luận, chứ không chỉ đánh vào tâm lí, thỏa mãn cho nhu cầu tình cảm thì sẽ nguy hiểm cho lợi ích doanh nghiệp, thậm chí lợi ích của chính Đà Nẵng trong dài hạn.
Xin cảm ơn ông!