Đà Nẵng đặt mục tiêu kinh tế số sẽ chiếm 30% GRDP vào năm 2030

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch về Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn đến năm 2030.
Đến năm 2030, công nghiệp công nghệ thông tin sẽ chiếm tối thiểu 15% GRDP của Đà Nẵng.
Đến năm 2030, công nghiệp công nghệ thông tin sẽ chiếm tối thiểu 15% GRDP của Đà Nẵng.

Theo thống kê, tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông Đà Nẵng năm 2022 đạt 34.293 tỷ đồng, đạt 103,4% kế hoạch, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu công nghiệp CNTT năm 2022 đạt 20.920 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 132 triệu USD, đạt 120% so với kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Có thể nói, công nghiệp CNTT đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng.

Theo Kế hoạch về Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn vừa ban hành, Đà Nẵng đặt mục tiêu tập trung phát triển nền Kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP thành phố, trong đó công nghiệp CNTT-TT chiếm tối thiểu 10% GRDP thành phố vào năm 2025. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố. Trong đó, công nghiệp CNTT chiếm tối thiểu 15% GRDP của thành phố.

Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp và thành lập doanh nghiệp công nghệ. Đưa số lượng doanh nghiệp công nghệ số đạt mức 3 doanh nghiệp/1.000 dân.

Đến năm 2030, đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ. Tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp CNTT bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 10%/năm; tốc độ tăng trưởng doanh thu xuất khẩu phần mềm giai đoạn 2021-2030 đạt 12%/năm; Đà Nẵng có tối thiểu 7 Khu CNTT, công viên phần mềm.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng quyết tâm hình thành trạm cáp quang ven biển thứ 2 của thành phố để bảo đảm hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư quốc tế kết nối tuyến cáp quang biển đi quốc tế; 100% các doanh nghiệp trong các Khu công nghiệp trên địa bàn được tiếp cận về hạ tầng để triển khai ứng dụng IoT; phủ sóng 5G tối thiểu 50% diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn.

Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ bảo đảm cung cấp hạ tầng tính toán, lưu trữ chuyên sâu để triển khai các ứng dụng lõi liên quan đến Cách mạng 4.0 với tối thiểu 5 Trung tâm dữ liệu, quy mô trên 500 rack.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Đà Nẵng sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông các chính sách hiện hành về phát triển công nghiệp CNTT và hình ảnh ngành công nghiệp CNTT của thành phố; Tổ chức, tham gia thường niên các sự kiện, cuộc thi về CNTT, an toàn thông tin như Devday, Hackathon, ICPC...; Tổ chức gặp mặt hằng năm giữa lãnh đạo thành phố với các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo CNTT để đối thoại, cung cấp thông tin, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo CNTT.

Đặc biệt, Đà Nẵng sẽ tham mưu xây dựng quy chế hoặc quy định về quản lý nhà nước các Khu CNTT tập trung tại thành phố; Nghiên cứu áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù của Quốc hội, Chính phủ đối với các Khu CNTT tập trung trên địa bàn; Xây dựng Đề án thúc đẩy, phát triển, ươm tạo doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và các Khu CNTT tập trung, Khu Công viên phần mềm,...

Đồng thời, triển khai các chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông gắn với nền kinh tế số theo Đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Thu hút các doanh nghiệp CNTT vào hoạt động tại các Khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm đã được đầu tư; Hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân triển khai sandbox để phát triển, thử nghiệm và áp dụng các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực Nhà nước.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sẽ tập trung xây dựng nền tảng để phát triển trí tuệ nhân tạo. Phát triển hạ tầng số; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa các Khu CNTT, Công viên phần mềm đã được quy hoạch trên địa bàn thành phố vào hoạt động gồm: Khu Công viên phần mềm số 2, Khu không gian đổi mới sáng tạo Hòa Xuân, Khu CNTT Đà Nẵng Bay, Tòa nhà Công nghệ cao Viettel Đà Nẵng.

Đồng thời, phát triển doanh nghiệp CNTT; phát triển, đảm bảo chất lượng các sản phẩm công nghiệp CNTT; thúc đẩy Make In Vietnam. Triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn thành phố; tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp công nghệ số với các doanh nghiệp ngành nghề khác. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm; ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, sản xuất nội dung số, thiết kế, sản xuất vi mạch, cung cấp dịch vụ CNTT có lợi thế cạnh tranh và có tiềm năng xuất khẩu.

Đà Nẵng cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp CNTT tham gia vào các chương trình, đề tài khoa học ứng dụng và các sản phẩm triển khai thí điểm của thành phố; phát triển sản phẩm mới phục vụ xây dựng thành phố thông minh.

Song song đó, công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số và nền kinh tế số cũng sẽ được quan tâm, chú trọng. Đà Nẵng cũng tăng cường thu hút đầu tư và nguồn lực bên ngoài; Hợp tác phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, nghiên cứu khoa học và khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số.

Đọc thêm