Đà Nẵng điểm tên 6 đơn vị vi phạm “ém” đất tái định cư

(PLO) - Tại phiên thảo luận nhóm về tình hình kinh tế-xã hội và an ninh quốc phòng tại kỳ họp thứ 14, HĐND TP Đà Nẵng khoá VIII vào ngày 8/7, nhiều đại biểu tiếp tục “truy” vụ “ém” hàng ngàn lô đất tái định cư (TĐC), yêu cầu công bố tên các đơn vị sau phạm và hướng xử lý.
Đại biểu kiến nghị xử lý nghiêm vụ giấu hơn 17.000 lô đất tái định cư
Đại biểu kiến nghị xử lý nghiêm vụ giấu hơn 17.000 lô đất tái định cư
Theo đó, báo cáo mới nhất của ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng về việc rà soát quỹ đất TĐC từ năm 2010 đến năm 2014 trên tổng số 313 dự án cho thấy, có 1.367 lô đất bị các đơn vị liên quan không thực hiện báo cáo và báo cáo thiếu. Như vậy, đến ngày 8/7, con số đất TĐC bị “giấu” được nâng tên tổng 17.702 lô đất.
Trước mắt, 6 đơn vị vi phạm trong vấn đề này bị điểm tên gồm: Công ty VP Vật liệu xây lắp và kinh doanh nhà: 1301 lô, công ty CP đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng: 29 lô, Ban giải toả đền bù số 1: 22 lô, Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng: 8 lô, Trung tâm phát triễn quỹ đất: 4 lô, ban quản lý xây dựng số 3: 3 lô.
Tại kỳ họp, ông Huỳnh Đức Thơ lý giải, việc thiếu sót trong quản lý đất tái định cư do công tác quản lý những năm trước đây của Thường trực HĐND và UBND thành phố chưa nhất quán, thay đổi chủ trương qua các giai đoạn, giao quá nhiều đơn vị cùng quản lý đất TĐC. Về xử lý trách nhiệm, ông Thơ cho biết, có 2 cán bộ VP UBND tự nhận hình thức khiển trách, các đơn vị khác nhận và rút kinh nghiệm.
Ngày 4/7 mới đây, UBND TP đã có chỉ đạo xử lý nghiêm về mặt Đảng đối với lãnh đạo Công ty Xây lắp vật liệu, nhưng các đồng chí này đã nghỉ hưu và chuyển sang công ty ngoài quốc danh, nên kiến nghị với đảng uỷ khối doanh nghiệp xử lý. Về trường hợp ông Nguyễn Ngôn (nguyên trưởng Ban quản lý các khu TĐC) giấu đất, tư túi riêng đã giao cơ quan điều tra xử lý và báo cáo với HĐND TP.
Ngoài ra, khu dự án phức hợp Viễn đông (84 Hùng Vương, quận Hải Châu), nhiều đại biểu phản ánh, Dự án khởi công năm 2008, thực tế đã giải toả xong nhưng nhà đầu tư không triển khai. Khả năng dự liệu khó thực hiện và các sở ban ngành nên chủ động để chấm dứt dự án này nhằm tránh lãng phí “đất vàng”.
Đối với dự án công viên công cộng và bãi đỗ xe ngầm Viễn Đông giao hơn 5.000m2 (giao đất không thu tiền từ 9/2009, đưa vào sử dụng năm 2012) nhưng kết quả không thực hiện được. Dự án còn gây ô nhiễm môi trường nên các đại biểu yêu cầu TP cần tổ chức thực hiện nghiêm việc thu hồi.
Trong phiên thảo luận nhóm, một vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là đại biểu Nguyễn Đăng Hải (Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQVN TP. Đà Nẵng) đề xuất, tách hai phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) nhập vào huyện đảo Hoàng Sa. Hai phường này cũng là một trong những phường của Đà Nẵng có nhiều ngư dân và tàu thuyền thường xuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa.
Theo ông Hải, lâu nay Đà Nẵng được nhà nước giao nhiệm vụ thiêng liêng là quản lý Hoàng Sa, trong đó quy định rõ Hoàng Sa là một huyện của TP. Hiện thành phố vẫn tích cực tìm chứng cứ pháp lý để từng bước đòi lại quần đảo Hoàng Sa vốn đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm. Kỳ họp thứ 9 QH vừa qua đã ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương và có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Với Luật này, nhập 2 phường vào huyện đảo Hoàng Sa rất hợp lý và hợp lòng dân. Và như vậy, Hoàng Sa sẽ được hoàn thiện bộ máy chính quyền với dân số khoảng 35.000 dân và sẽ kéo được Hoàng Sa về gần với đất liền. Với đề xuất này, HĐND thành phố tiếp thu và sẽ báo cáo lại UBND TP trình Trung ương xem xét.

Đọc thêm