Đà Nẵng lên phương án giảng dạy online thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Do tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài nên bước vào năm học mới, nhiều học sinh tại Đà Nẵng vẫn chưa trang bị đủ sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Ngành giáo dục thành phố đang khảo sát tình hình để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh trong việc học trực tuyến khi năm học mới cận kề.
Đây là năm thứ 2, Đà Nẵng tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến.
Đây là năm thứ 2, Đà Nẵng tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến.

Chưa trang bị sách giáo khoa, đồ dùng học tập

Tại Đà Nẵng, hiện nhiều gia đình nằm trong vùng phong tỏa, cách ly y tế chưa kịp chuẩn bị đồ dùng, sách vở cho con em mình khi chỉ còn 1 tuần nữa là bước vào năm học mới.

Chị Nguyễn Diệu Hằng (quận Hải Châu) chia sẻ, chị cũng như nhiều phụ huynh khác đang gặp khó khăn trong việc chuẩn bị sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con, bởi tất cả nhà sách đều đóng cửa để phòng chống dịch. Chị đã đặt mua trên mạng nhưng việc giao nhận gặp trở ngại do TP quy định “ai ở đâu thì ở đó”.

Tương tự, chị Trần Lan Anh (quận Hải Châu, có con vào lớp 1) cho biết, đến nay cũng chưa mua đủ sách vở cho con. "Tôi đang đặt bộ sách online nhưng không biết việc gửi về nhà có kịp để con làm quen với sách không, trong khi năm học mới cận kề", chị lo lắng.

Sở GD&ĐT cho biết, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nhiều học sinh hiện nay vẫn chưa được trang bị sách giáo khoa và đồ dùng học tập, Sở đã chủ động hướng dẫn các trường lưu ý đến vấn đề này trong thời gian 2 tuần đầu sau khai giảng.

Việc dạy học trực tuyến trong 2 tuần đầu chủ yếu là ôn tập, củng cố kiến thức cũ nên học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa của năm học trước. Sau thời gian ôn tập, khi giáo viên giới thiệu chương trình mới để học sinh làm quen thì học sinh có thể bước đầu tiếp cận sách qua địa chỉ website đã được giới thiệu từ đầu tháng 8 là https://hanhtrangso.nxbgd.vn.

Sau khai giảng, nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, Sở sẽ đề xuất TP cho phép các Cty sách, các nhà sách được hoạt động, cung ứng sách, đồ dùng học tập... cho học sinh theo hình thức shipper giao hàng hoặc tổ dân phố mua giúp như mua lương thực, thực phẩm thời gian qua, bảo đảm cho học sinh có sách giáo khoa và đồ dùng học tập khi được học bài mới.

Lên phương án, kịch bản giảng dạy online

Hiện các trường học trên địa bàn Đà Nẵng cũng chủ động lên phương án, kịch bản giảng dạy trong năm học mới.

Tại Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), nhà trường chủ động mua phần mềm Zoom có bản quyền để dạy học trực tuyến cho học sinh. Thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng, cho biết: Năm nay, khả năng dịch bệnh còn kéo dài, vì vậy, dạy học bằng phần mềm có bản quyền giúp giáo viên vừa trao đổi trực tiếp, vừa kiểm soát được học sinh tham gia học. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trở lại bình thường thì nhà trường, giáo viên dạy bổ sung, củng cố kiến thức .

Với những học sinh không có thiết bị, nhà trường dự tính sẽ làm việc với đại diện của Ban cha mẹ học sinh cố gắng làm thế nào để các em có được thiết bị để học trực tuyến. Nếu chỉ để học sinh nhận bài về làm thì hiệu quả sẽ không cao.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho biết, năm nay, trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp, Sở đã lên kế hoạch khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 trên sóng truyền hình, chương trình khai giảng trực tuyến là do các trường thực hiện.

Nhận thức dạy - học trực tuyến là một hình thức hỗ trợ chứ không phải là hình thức chủ đạo nên ngày 23/8, Sở xác định thời gian đầu sau khai giảng (khoảng 2 tuần), việc dạy - học trực tuyến chủ yếu là giới thiệu chương trình, sách giáo khoa, phương pháp học tập và củng cố kiến thức cũ; sau đó, nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc dạy - học bài mới trực tuyến cho học sinh trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ.

Sở đã chỉ đạo các trường khảo sát tình hình học sinh để có kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ các em cũng như để hỗ trợ học sinh trong việc học trực tuyến. Với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến (máy móc, đường truyền, là F0 đang điều trị, F1 đang cách ly tập trung...), các trường phối hợp cùng cha mẹ triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình; hướng dẫn giáo viên (đặc biệt là giáo viên lớp 1, lớp 2) gửi bài giảng, bài tập đến phụ huynh học sinh qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email... để phối hợp cùng giáo viên hướng dẫn học sinh chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình.

Sở cũng đã đề nghị TP, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP quan tâm, ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ giáo viên và nghiên cứu việc tiêm vaccine cho học sinh đủ điều kiện nhằm bảo đảm an toàn cho cả giáo viên và học sinh khi việc dạy - học được tổ chức trực tiếp tại trường.

Đọc thêm