Ông Huỳnh Đức Thơ (thứ 2 từ trái qua) trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tại sự kiện Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng |
Ngay khi tiếp nhận đăng cai Tuần lễ Cấp cao (TLCC) APEC 2017, Đà Nẵng đã chuẩn bị và thực hiện những gì cho sự kiện này, thưa ông?
- Từ khi Chính phủ chọn Đà Nẵng làm nơi diễn ra TLCC APEC 2017, chính quyền thành phố (TP) đã chỉ đạo các ngành liên quan tích cực phối hợp các Tiểu ban của Ủy ban Quốc gia (UBQG) APEC 2017 triển khai công tác chuẩn bị trên nhiều lĩnh vực như: cơ sở vật chất, an ninh, y tế, thông tin tuyên truyền, bộ máy tổ chức…
Từ tháng 11/2015, TP thành lập Ban Chỉ đạo phối hợp chuẩn bị trong Năm APEC 2017 gồm 5 tiểu ban: Tiểu ban Thư ký-Nội dung; Cơ sở vật chất; Tuyên truyền-Văn hóa; Lễ tân-Hậu cần; An ninh-Y tế và chủ động phối hợp với các Tiểu ban thuộc UBQG triển khai công tác chuẩn bị. Ban Chỉ đạo APEC 2017 của TP họp định kỳ để rà soát công tác chuẩn bị, báo cáo UBQG APEC 2017.
Đặc biệt, lãnh đạo TP quan tâm việc phát huy “yếu tố con người” để phục vụ cho các hoạt động APEC. Đà Nẵng có lợi thế khi hàng trăm cán bộ, công chức được đào tạo, tập huấn tại nước ngoài và sinh viên khá, giỏi thu hút theo kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của TP.
Sau khi Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 400 tỷ đồng để thực hiện 3 dự án đầu tư phục vụ TLCC APEC 2017, các công trình phục vụ TLCC được đẩy nhanh, thực hiện khẩn trương. Đến nay phần lớn đã hoàn tất.
Song hành, Đà Nẵng đẩy mạnh xã hội hóa, doanh nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ về lưu trú, ẩm thực, hàng lưu niệm, các hạng mục làm đẹp thành phố. Hiện, phê duyệt cuối cùng trong chọn lựa các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 4, 5 sao trở lên để phục vụ quan khách đến từ 21 nền kinh tế của APEC đã xong. Công trình dự kiến trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC, Công trình phục vụ cho tổ chức CEO Summit, Công trình được chọn làm địa điểm Gala Dinner, Công viên APEC 2017 (diện tích 3.047 m2), Nhà ga hành khách quốc tế mới… cũng đã sẵn sàng.
Với TLCC APEC 2017, hình ảnh Đà Nẵng - Việt Nam được nâng tầm trên trường quốc tế. Ông nhìn nhận như thế nào về cơ hội của thành phố thông qua sự kiện này?
- Tôi khẳng định, APEC 2017 không chỉ là cơ hội để Đà Nẵng được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, quảng bá hình ảnh cũng như khẳng định năng lực của TP trong việc đăng cai những sự kiện lớn, mà còn có cơ hội tiếp cận những nền kinh tế lớn trên thế giới, chủ động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, đầu tư kinh doanh…
Đà Nẵng đã cho xây dựng chuỗi các hoạt động bao gồm đề xuất lãnh đạo TP chào xã giao một số Lãnh đạo các nền kinh tế, tiếp xúc và làm việc song phương với các Bộ trưởng cũng như để lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia tháp tùng đoàn chính thức từ các nền kinh tế thành viên.
Xuyên suốt năm 2017, Đà Nẵng tổ chức các hội thảo kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp công nghệ cao, y tế, dịch vụ, bất động sản, công nghệ thông tin, với mục đích quảng bá đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế thành viên APEC tiềm năng phát triển của Đà Nẵng cũng như trao đổi các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể.
Ngoài ra, TP cũng đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lên kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng tại phiên chuyên đề của Diễn đàn kinh doanh với Việt Nam do VCCI tổ chức, với sự tham dự của các doanh nghiệp từ các nền kinh tế thành viên.
Theo ông, sau những cơ hội như APEC, về lâu dài TP có những biện pháp và chiến lược như thế nào để xứng đáng với danh các danh hiệu gắn liền trước đây như: “thành phố “4 an”; thành phố đáng sống”; “thành phố “5 không 3 có””...?
- Trước hết, cần khẳng định, xây dựng một TP văn minh, có chất lượng cuộc sống tốt là mục tiêu lâu dài và xuyên suốt của Đà Nẵng. Vì vậy, các chủ trương liên quan đến phát triển bền vững đã nêu vẫn sẽ được TP duy trì và thực hiện một cách phù hợp qua mỗi giai đoạn phát triển khác nhau.
Với những áp lực trong quá trình phát triển của TP trong thời gian tới như vấn đề gia tăng dân số nhất là gia tăng cơ học. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 1,21 triệu dân và trong tương lai phải đối mặt với một đô thị trên 2,5 triệu dân. Vào năm 2030, các nhu cầu về nhà ở, về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, vấn đề giải quyết việc làm, vấn đề môi trường, ách tắc giao thông... đã được chính quyền thành phố nhìn nhận, cần được tập trung giải quyết nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu “Thành phố đáng sống”.
Theo đó, TP vận dụng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, hiệu quả để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; chú trọng cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. TP sẽ dành nguồn kinh phí thích đáng để triển khai xây dựng các quy hoạch theo phương pháp hiện đại, kể cả thuê tư vấn quốc tế có chất lượng để “nâng tầm” các đề án quy hoạch của TP, sánh vai cùng các TP hiện đại trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý có Đề án Phát triển mạnh các ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2035.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khám chữa, bệnh chất lượng cao; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đạt 95 - 100% vào năm 2020. Đẩy mạnh thực hiện Đề án “có nhà ở”, huy động nhiều nguồn lực xây dựng nhà ở chung cư bố trí cho các hộ chính sách, hộ nghèo chưa có chỗ ở ổn định, các hộ tái định cư, đối tượng hưởng lương từ ngân sách; tiếp tục khuyến khích đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Ngoài ra, Đà Nẵng tiếp tục xây dựng TP môi trường và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ tốt các yêu cầu chính đáng của nhân dân, tạo môi trường sống, làm việc ngày càng lý tưởng…
Trân trọng cảm ơn ông!