Từ ngày 11/6 đến 15/8, tại trung tâm thành phố, chuỗi sự kiện "Take me to the Sun", bắt đầu với lễ hội Carnival đường phố, dự kiến diễn ra các tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Tuyến đường diễu hành của 200 nghệ sĩ và xe hoa trang trí theo chủ đề sẽ bắt đầu từ Công viên châu Á đến cầu Rồng dọc theo bờ sông Hàn, điểm dừng biểu diễn là quảng trường Bạch Đằng.
Tiếp đó, một đại nhạc hội sẽ diễn ra trong tháng 7 tại quảng trường chính Công viên châu Á, với sức chứa 5.000 người. Quảng trường 2/9 là sân khấu phụ. Đại nhạc hội sẽ là bữa tiệc của hiệu ứng ánh sáng và những màn trình diễn của nhiều nghệ sĩ tên tuổi.
Tháng 8 là lễ hội âm nhạc điện tử quốc tế quốc tế EDM, quy mô 10.000 khán giả quy tụ dàn DJ và nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra, còn có các không gian ẩm thực, âm nhạc đường phố, khu vực check-in nghệ thuật sắp đặt... diễn ra tại Công viên Biển Đông.
Ở vùng núi rừng, khu suối khoáng nóng Núi Thần Tài (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) sẽ tổ chức biểu diễn Tung tung da dá (Vũ điệu dâng trời đặc trưng của người Cơ Tu). Chương trình diễn ra từ 10h đến 11h ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9, nhằm giới thiệu nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao ở miền Trung đến du khách.
Khu vực tắm Onsen tại khu nghỉ dưỡng ven vịnh Đà Nẵng. |
Khách sạn 5 sao đầu tiên trên tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành, thuộc khu nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Da Nang Mikazuki (quận Liên Chiểu) cũng vừa được khai trương. Tuyến đường dài 15 km ven vịnh Đà Nẵng, nối 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu vốn kém sôi động hơn các bãi biển phía bờ đông, nay đang dần nhộn nhịp bởi sự góp mặt của khu nghỉ dưỡng 3.900 tỷ đồng này. Nơi này được trang trí theo phong cách Nhật Bản, có hồ bơi vô cực ở tầng 22, tầm nhìn ôm trọn vịnh Đà Nẵng, công viên nước 365 trong nhà lớn nhất miền Trung, khu vực tắm khoáng nóng onsen...
Thời gian tới, khu vực này tiếp tục được chủ đầu tư là tập đoàn của Nhật Bản xây dựng phố đêm ven biển Xuân Thiều; đồng thời xây dựng cầu đi bộ đảm bảo cho người dân và du khách đi qua đường Nguyễn Tất Thành, với mục tiêu kịp khánh thành nhân dịp 50 năm kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023).
Thiết kế cầu đi bộ bắc qua đường Nguyễn Tất Thành. |
Theo ông Trần Phước Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, dịch bệnh đã gây thiệt hại nặng nề, khiến hàng loạt hoạt động từ du lịch đến thương mại của thành phố gần như tê liệt. Tổng số lượt khách du lịch đến Đà Nẵng trong năm 2021 giảm 55,8%, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành giảm 36,6% so với năm 2020. "Với chuỗi sự kiện và các lễ hội vừa công bố, thành phố kỳ vọng tạo nên sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ cho du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới", ông Sơn nói.
Đà Nẵng kỳ vọng đạt lượng khách lưu trú năm 2022 là 3,5 triệu lượt, tăng 3,1 lần so với năm 2021, trong đó, khách quốc tế ước đạt 180.000 lượt, tăng 1,8 lần và khách nội địa ước đạt hơn 3,3 triệu lượt, tăng 3,3 lần. Doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt trên 6.700 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2021. Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thu hút lượng khách tương đương so với dịp hè năm 2019.
Đà Nẵng mở cửa với quốc tế từ 27/3 với 4 đường bay từ Singapore, Bangkok (Thái Lan), Incheon (Hàn Quốc) và Kuala Lumpur (Malaysia). Từ ngày 6 đến 8/6, thành phố cũng tổ chức thành công Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022 để các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp họp bàn mở rộng các đường bay quốc tế.
Sắp tới, Đà Nẵng sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022, Lễ hội Tuyệt vời Đà Nẵng, các cuộc thi sắc đẹp toàn quốc, Giải Golf châu Á, Tuần lễ Du lịch Golf Đà Nẵng, Lễ hội Yoga quốc tế 2022...