Đã nói phải làm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN)-

Để đất nước phát triển, phải cải cách hành chính (CCHC), tinh giản bộ máy, giảm tầng nấc. Tất cả để giải phóng toàn bộ năng lực của xã hội. Thời gian là nguồn lực. Chính vì thế, chúng ta đã có 2 chương trình tổng thể CCHC nhà nước, giai đoạn 2011 - 2020 đã qua, hiện đang là giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu chung là: xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn rất nhiều băn khoăn về “giấy phép con” bỗng dưng ra đời. Việc đầu tư cho lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và bố trí nguồn lực cho CCHC có nơi, có lúc còn hạn chế, thiếu quan tâm.

Điều này có nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, nhưng chủ quan là chủ yếu, xuất phát từ nhận thức, sự quyết liệt, cố gắng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của người đứng đầu các cấp hành chính. Đây là nguyên nhân rất cơ bản vì CCHC liên quan tới thể chế, tổ chức, bộ máy, con người và việc vận hành, nguồn lực đầu tư, quy trình, thủ tục hành chính (TTHC). Rất dễ nhận thấy CCHC là biện pháp xây dựng nhất để góp phần chống nhũng nhiễu, tham nhũng vặt.

Không thể dừng lại CCHC. Chính vì thế, khi kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu trong năm 2022 phải tạo ra bước đột phá, nhất là TTHC liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng yêu cầu thống nhất quan điểm đầu tư cho CCHC là đầu tư cho sự phát triển và việc đầu tư này phải tập trung, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó. Phương châm là “đã nói phải làm”, thực chất, không hình thức, lấy sản phẩm, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các cơ quan làm thước đo.

Ngoài vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC, việc đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về CCHC rất quan trọng. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp nào, bộ, ngành, địa phương nào thì cấp đó, bộ, ngành, địa phương đó phải chủ động giải quyết, nếu vượt quá thẩm quyền thì mạnh dạn đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định, kiên trì vì mục tiêu chung. Điều này cần phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân của các “tư lệnh” ngành, người đứng đầu chính quyền các địa phương cấp tỉnh.

Suy cho cùng, CCHC là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, quản trị quốc gia nói chung và của các cấp hành chính, các bộ, các ngành các địa phương nói riêng.

Lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu phục vụ phải thể hiện trên việc làm. TTHC càng đơn giản, gọn nhẹ, thông suốt... hiệu quả phục vụ càng cao.

Đọc thêm