Trước một số câu hỏi liên quan tới vụ án Vạn Thịnh Phát, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Ngay từ giai đoạn cơ quan điều tra truy tố, các tài sản chuyên giao cho cơ quan THADS, Tổng cục THADS đã chỉ đạo các sơ quan THADS kiểm tra, rà soát toàn bộ tài sản để đảm bảo cho quá trình thi hành án sau này.
Về trình tự, thủ tục thi hành án đối với vụ án này, ông Lợi nêu rõ bản án mới tuyên sơ thẩm, do vậy khi nào bản án có hiệu lực thi hành thì cơ quan THADS sẽ thi hành án theo đúng quy định pháp luật.
“Tổng cục đã chủ động chỉ đạo cơ quan THADS địa phương, tới đây là Cục THADS TP.Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ hướng dẫn để sẵn sàng ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật sẽ được thi hành đúng quy định pháp luật”, ông Lợi khẳng định.
|
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi trả lời câu hỏi của các phóng viên. |
Về việc hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp cơ quan liên quan thực hiện công tác này. Theo đó sẽ được thực hiện bằng Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, trên nguyên tắc có đi có lại. Thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp VKSNDTC xử lý tài sản ở nước ngoài trong vụ án Phan Sào Nam rất hiệu quả.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về quy định độ tuổi hành nghề của công chứng viên (CCV) không quá 70 tuổi tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng cho rằng quy định như vậy nhằm tăng cường chất lượng CCV, đảm bảo chất lượng hành nghề, đồng thời phù hợp quy định độ tuổi lao động hiện nay và phù hợp với thông lệ nhiều nước trên thế giới. Ông Hồng cũng cho biết, theo thống kê số lượng CCV ngoài 70 tuổi hành nghề hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%.
|
Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Xuân Hồng giải đáp một số câu hỏi. |
Về vấn đề quản lý nhà nước hoạt động công chứng trong bối cảnh xã hội hóa, Cục trưởng Lê Xuân Hồng nhấn mạnh công chứng là dịch vụ công, do Nhà nước ủy nhiệm nên dù xã hội hóa nhưng vẫn cần tăng cường quản lý bởi đây không phải dịch vụ kinh doanh thông thường. Với tinh thần đó, Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) đã có nhiều quy định định hướng phát triển nghề công chứng, tổ chức hành nghề công chứng, CCV trong bối cảnh bỏ Luật Quy hoạch. Theo đó, quy định các Bộ, ngành đưa ra quy chuẩn để phát triển nghề này, các địa phương xây dựng đề án, quy hoạch quản lý, tăng cường vai trò tự quản của các Hội công chứng.
|
Bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính. |
Trả lời câu hỏi quan điểm của Bộ Tư pháp về vấn đề có nên cấm tuyệt đối việc có nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông, bà Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính nêu rõ: Hiện nay Luật phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 có quy định nghiêm cấm điều khiển giao thông khi trong máu có nồng độ cồn. Quan điểm Bộ Tư pháp cấm hay không cấm điều này còn phụ thuộc vào tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức người dân. Do vậy, Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu để hài hòa giữa lợi ích người dân cũng như hiệu quả trong quản lý trật tự an toàn giao thông để có quy định phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Trước câu hỏi về giải pháp hạn chế tình trạng người dân xếp hàng cấp Phiếu LLTP tại TP.HCM, ông Phạm Quang Đại, Phó Trung tâm Giám đốc LLTP quốc gia cho biết Bộ Tư pháp đã kịp thời chỉ đạo Sở Tư pháp HCM triển khai nhiều giải pháp như: mở thêm các quầy tiếp dân, bổ sung nhân sự, huy động lực lượng công chức của Sở, đoàn thanh niên tham gia hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ, tăng cường làm việc ngoài giờ… Với sự nỗ lực đó, tình trạng người dân xếp hàng chờ cấp Phiếu LLTP đã được khắc phục.
|
Ông Phạm Quang Đại, Phó Trung tâm Giám đốc LLTP quốc gia |
“Thời gian tới, để ngăn ngừa tình trạng này, chúng tôi đã và đang triển khai hiệu quả Chỉ thị 23 của TTCP, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không lạm dụng cấp Phiếu LLTP, tăng cường yêu cầu cấp Phiếu qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ công toàn trình. Ngoài ra, sẽ nhân rộng mô hình cấp Phiếu LLTP qua ứng dụng VneID”, ông Đại nói.
Thông tin tại buổi họp báo cho biết, trong Quý I/2024, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện, đầy đủ và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ được giao và đạt được một số kết quả nổi bật. Theo đó, Quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 văn bản do Bộ Tư pháp trình. Đồng thời, Bộ Tư pháp đã trình 05/05 văn bản, đề án theo Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm tiến độ trình Quốc hội đúng thời hạn các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền như: dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
|
Đồng chí Đỗ Xuân Quý, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp thông tin về kết quả công tác của Bộ quý I/2024. |
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, đề nghị xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được thực hiện đúng quy định. Từ ngày 01/01/2024 – 31/3/2024, trên cơ sở đề nghị thẩm định của các Bộ, ngành gửi về, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 08 đề nghị xây dựng VBQPPL; 34 dự án, dự thảo VBQPPL
Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát VBQPPL tiếp tục được quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn ban hành văn bản của các bộ, ngành, địa phương và sự phản ánh, kiến nghị của cơ quan báo chí, người dân, tổ chức; tổ chức triển khai thực hiện các Quyết định về việc kiểm tra văn bản theo chuyên đề
Công tác theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật được tập trung thực hiện. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý... tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan tiếp tục hoàn thiện đối với các dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, như: dự án Luật Công chứng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và một số văn bản hướng dẫn thi hành khác.
Công tác thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn nghiệp vụ trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, như: Xử lý vi phạm hành chính, bồi thường nhà nước, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, công chứng, trợ giúp pháp lý... được chú trọng thực hiện. Trong hoạt động trợ giúp pháp lý, cả nước đã thụ lý 5.330 vụ việc TGPL tham gia tố tụng và có 3.160 vụ việc kết thúc. Tất cả các vụ việc thẩm định, đánh giá đều đạt chất lượng khá trở lên.
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công an nghiên cứu đẩy nhanh việc kết nối các phần mềm phục vụ thí điểm cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dựng VneID tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế; thực hiện phân quyền cho Sở Tư pháp tra cứu thông tin có trong cơ sở dữ liệu LLTP của Trung tâm LLTP quốc gia, theo đó, tính đến nay có 56/63 Sở Tư pháp thực hiện thử nghiệm tính năng phân quyền.
Các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đã giải quyết kịp thời khoảng 230.000 Phiếu đăng ký và Phiếu cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm, hợp đồng, thông báo việc kê biên tài sản để thi hành án dân sự, tỷ lệ Phiếu trực tuyến chiếm khoảng 84%.
Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính thời gian qua tiếp tục đạt kết quả tích cực. 6 tháng đầu năm đã thi hành xong 242.304 việc và trên 47.595 tỷ đồng. Trong đó, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 1.177 việc, với hơn 10.000 tỷ đồng.
Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực trong hệ thống cơ quan thads được tập trung chỉ đạo. Tính từ 1/10/2023 đến 29/2/2024, cơ quan THADS đã thu hồi được 8.960 tỷ 312 triệu 295 nghìn đồng.
Công tác cải cách hành chính được Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đạt nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ được Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện. Bộ đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm về rà soát VBQPPL phục vụ triển khai Đề án; tiếp tục hoàn thiện các tính năng kỹ thuật Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, kịp thời hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai 02 nhóm TTHC liên thông liên quan đến đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.