Đặc sắc lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa

 

Thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa, người lính phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng ròng trên những chiếc thuyền câu, số phận xem như đành gửi theo trời mây và bọt biển. Mỗi chuyến ra khơi có 70 suất đinh phiên chế hằng năm cho đội Hoàng Sa trước hết là của làng An Vĩnh, về sau còn có thêm người của làng An Hải trong đất liền, cả người làng An Vĩnh và An Hải ngoài Lý Sơn. Đến đầu thế kỷ 19 trở về sau, đội Hoàng Sa chủ yếu là người An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.

 

 

Ngày 28/4, tại Di tích quốc gia đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn,  Quảng Ngãi, diễn ra Lễ Chánh tế (Khao lề thế lính Hoàng Sa) do tỉnh Quảng Ngãi cùng các họ tộc trên địa bàn Lý Sơn phối hợp tổ chức.

Dịp này, huyện đảo Lý Sơn cũng tổ chức đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ Khao lề thế lính và bằng Di tích quốc gia đình làng An Vĩnh.

Ngay từ sáng sớm trước khi diễn ra Lễ Chánh tế, đông đảo bà con huyện đảo Lý Sơn và du khách đã tập trung tại đình làng An Vĩnh để diện kiến nghi lễ.

 Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức trang nghiêm tại huyện đảo Lý Sơn ngày 28/4.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức trang nghiêm tại huyện đảo Lý Sơn ngày 28/4.

 Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ truyền thống tồn tại hàng trăm năm qua tại huyện đảo này. Nhắc lại ý nghĩa của lễ Khao lề thế lính, TS. Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Ngãi cho biết, nguồn gốc của nghi lễ Khao lề thế lính gắn liền với sự hình thành và sứ mệnh lịch của đội quân Hoàng Sa. Theo các tư liệu lịch sử, ngay từ  khi vào trấn nhậm phía Nam Chúa Nguyễn đã cho lập đội Hoàng Sa vào cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17 và bị “triệt bãi” vào những năm thực dân Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. 

Mỗi chuyến ra khơi có 70 suất đinh phiên chế hằng năm cho đội Hoàng Sa trước hết là của làng An Vĩnh, về sau còn có thêm người của làng An Hải trong đất liền, cả người làng An Vĩnh và An Hải ngoài Lý Sơn. Đến đầu thế kỷ 19 trở về sau, đội Hoàng Sa chủ yếu là người An Vĩnh trên đảo Lý Sơn.

Thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa, người lính phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng ròng trên những chiếc thuyền câu, số phận xem như đành gửi theo trời mây và bọt biển. Tên tuổi của những người xấu số ra đi không có cơ may trở về được sử sách ghi lại, như Cai đội Võ Văn Khiết (1786), Cai đội Võ Văn Phú (1803), Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên (1835)....

Đây là những người được nhà Tây Sơn, vua Gia Long, vua Minh Mạng cử đi Hoàng Sa, kiêm quản Trường Sa không chỉ tìm kiếm hải vật, sản vật, đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đạo, mà còn cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bộ VHTT-DL trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cho huyện đảo Lý Sơn.
Bộ VHTT-DL trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa cho huyện đảo Lý Sơn.

 Mong muốn người ra đi còn may mắn trở về, người dân làng An Vĩnh, An Hải và nhiều nơi khác dọc ven biển Quảng Ngãi, làm lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm khao quân, tế sống và cả làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ triều đình giao phó. Ngoài ra, còn để tế lễ và tưởng nhớ những người lính đi thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa, Trường sa đã khuất.

Khi buổi lễ tế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như “đã một lần chết” và “hình binh” ấy có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa, sẽ trải qua muôn vàng bất trắc trên biển khơi ròng rã 6 tháng liền mỗi năm vâng lệnh triều đình. Chính vì vậy, lễ Khao lề thế lính từ lâu đã trở thành một biểu tượng minh chứng cho lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ của cha ông thời xa xưa.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch huyện Lý Sơn cho biết, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa có từ mấy trăm năm nay trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của các họ tộc cùng với đình làng An Vĩnh, nay đã trở thành di sản văn hóa quốc gia. 

“Đây là vinh dự, niềm tự hảo không chỉ của nhân dân huyện đảo chúng tôi, mà còn của cả nước, cũng là trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo lưu và phát huy giá trị di sản giàu ý nghĩa, mang đậm yếu tố văn hóa biển đảo, không có nơi nào có được này; góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm phong phú, đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc, giáo dục lòng tự hào, tình yêu đối với quê hương đất nước”, ông Nguyên chia sẻ.

Thiên Thanh

Đọc thêm