PV: Thưa ông, chúng ta vẫn nói về câu chuyện lời hứa, trách nhiệm cá nhân. Nhưng nếu hứa mà không làm thì sao, cần có chế tài gì không?
ĐB Dương Trung Quốc: Bây giờ, nguy hiểm nhất là chúng ta không có trách nhiệm cá nhân, không hồi tố, cứ mỗi nhiệm kỳ xong là hòa cả làng. Điều đó làm cho bộ máy phát huy hết quyền lực để bảo đảm lợi ích nhưng không có trách nhiệm đối với tương lai, với nhiệm kỳ sau.
PV: Theo ông có nên đặt vấn đề từ chức đối với người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ?
ĐB Dương Trung Quốc: Theo tôi là cách chức chứ không phải từ chức. Cứ đủ tiêu chuẩn, dưới điểm số là cách chức, còn nếu tạo hành lang để từ chức được thì tốt.
PV: Lời hứa nào của Bộ trưởng mà ông quan tâm và đánh giá là đã làm tốt hoặc chưa làm được?
ĐB Dương Trung Quốc: Chúng ta cũng phải đặt mình vào vị trí của người ta vào trong cơ chế này. Đây không phải là mình biện bạch cho họ, nhưng tôi lấy ví dụ như Bộ trưởng Bộ Y tế.
Chúng ta rất bức xúc về tình trạng hạ tầng quá yếu, không đáp ứng được phục vụ người dân, như một giường bao nhiêu bệnh nhân... Nhưng việc thực hiện lời hứa đó phụ thuộc vào kinh phí, có được phân cấp không.. và những vấn đề khác nữa.
Cho nên, ta quy kết trách nhiệm nhưng cũng phải nhìn một cách hết sức biện chứng, thực tế. Hơn nữa cứ mỗi một kỳ họp cách nhau chỉ sáu tháng, trong sáu tháng đó, chưa đủ thời gian vật chất để xoay chuyển cái gì căn bản.
Cho nên, tôi cho rằng quan trọng là phải thực hiện một mục tiêu có lộ trình. Lộ trình đó phải được giám sát từng bước và có những chế tài ở mức độ khác nhau. Nếu chúng ta cứ đòi hỏi một cách lý tưởng thì về phía những người hứa cũng chỉ là đối phó, và phía chúng ta thì luôn cảm thấy bất cập, bức xúc.
PV: Vậy theo ông trong Luật Tổ chức chính phủ và luật Chính quyền địa phương cần phải quy định như thế nào để đảm bảo việc giám sát việc thực thi lời hứa cũng như trách nhiệm của các bộ trưởng, của các địa phương?
ĐB Dương Trung Quốc: Tôi cho là không nên nói quá nhiều đến lời hứa. Hãy nói đến mục tiêu và trách nhiệm công việc, còn lời hứa chỉ là cách ứng xử về mặt thông tin thôi. Quan trọng nhất là thực hiện theo chỉ tiêu, mục tiêu và trách nhiệm được ấn định.
PV: Cuối năm trước Bộ trưởng Thăng đã hứa sẽ đảm bảo các công trình không có tai nạn, nhưng sau đó hàng loạt tai nạn vẫn xảy ra?
ĐB Dương Trung Quốc: Lời hứa và khả năng thực hiện lời hứa không phụ thuộc vào bản thân ông Bộ trưởng. Lời hứa thể hiện ý chí và mong muốn, quyết tâm, nhưng tất cả những vụ việc đó phải được phân tích rất cụ thể.
Ví dụ như những vụ tai nạn đó có nguyên nhân từ các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng hạ tầng, hay người tham gia giao thông cũng là nguyên nhân. Vậy làm sao Bộ trưởng có thể khẳng định 100% chuyện đó. Tất cả chúng ta phê phán thì cũng cố gắng nhìn vào thực tế hơn là lý tưởng hóa hoặc cột người ta vào đó.
PV: Có phải là Bộ trưởng đã hứa một việc ngoài tầm tay không?
ĐB Dương Trung Quốc: Vấn đề không phải là ngoài tầm tay mà tôi cho rằng, ở trong một cơ chế như thế này thì chả có ai là người quyết định tất cả.
PV: Như vậy thì theo ông không nên hứa?
ĐB Dương Trung Quốc: Theo tôi nên hạn chế lời hứa và càng nên hạn chế lời xin lỗi!
PV: Cám ơn ông!