Những năm gần đây, chúng ta vẫn thường hoang mang khi một bộ phận không nhỏ những người trẻ sống thiếu lý tưởng, sống vô cảm… Có không ít người trẻ sống gấp và hưởng thụ, không làm gì cả nhưng lại luôn trách móc người thân, xã hội, dễ dàng từ bỏ cuộc sống chỉ vì những lý do trời ơi…
Và nữa là một hình ảnh “người Việt xấu xí”, khi không thiếu những câu chuyện và lý do để từ bóng đá đến siêu mẫu bị lộ hàng; ăn cắp ở Nhật Bản, ăn tham ở Thái Lan, giành giật đồ ăn ở lễ hội su si, “hôi của”…Thực ra, suy cho cùng, những cái gọi là “xấu xí” đều phát xuất từ một nguyên nhân: Một bộ phận chúng ta đang bị “nghèo” đi về văn hoá, đạo đức; hoặc cái nghèo về kiến thức, tư duy; “nghèo” về quan hệ gia đình và xã hội;“nghèo” khi hành xử theo các thói quen cũ…
Trọng Hiền, một bạn trẻ đang du học tại Úc chia sẻ: Một lần, mình được cô bạn trẻ chung nhà người Nhật giới thiệu và mời tới xem cô hát ở một nhà hàng. Cô là ca sĩ, ở chung nhà nhưng hôm nay lần đầu tiên mình nghe cô ta hát.
Quán mình tới là một dạng nhà hàng rất đặc biệt ở Úc mà lần đầu tiên mình biết tới, có tên là Lentil As Anything, một hình thức kinh doanh phi lợi nhuận. Vào đây, mọi người được thưởng thức món ăn và âm nhạc một cách thoải mái và chất lượng. Đặc biệt là ai muốn ăn cái gì cũng được, trả bao nhiêu cũng được, không trả cũng được, tất cả đều là tự nguyện. Nhiều nhóm nhạc tới diễn, ai muốn ủng hộ ban nhạc thì ủng hộ, không thì cũng không sao.
Một anh chàng đeo cái bảng ghi hai chữ “Free hugs” (ôm miễn phí) và đi khắp nơi ghi lại món ăn mà khách hàng yêu cầu. Nhiều người đem cả gia đình vào đây ăn uống cả ngày. Người tới ăn có đầy đủ màu da, giọng nói. Ai cũng tôn trọng người khác, hòa nhã, thân ái dù cho bạn là ai, làm gì, ăn mặc thế nào. Đây thực sự là một bầu không khí văn minh và nhân văn nhất mà mình từng chứng kiến từ trước đến nay.
Nhìn lại, cái nếp nghĩ của nhiều người Việt mình không được như vậy. Bạn bè mình khi mới ra trường tốt nghiệp đại học chỉ lo tìm việc, kiếm tiền rồi lập gia đình, mua nhà và sinh con đẻ cái. Cái trưởng thành theo nếp nghĩ người Việt là như vậy. Các bậc cha mẹ chỉ mong con cái lập gia đình là đã hoàn thành trách nhiệm lớn, an tâm xuôi tay. Bạn bè gặp nhau thì hỏi mày kết hôn chưa, có mấy con rồi, hay (thầm) so sánh nhau nhà cửa, xe sang (một thói quen mà mình nghĩ rất xấu). Tất cả đều theo một kịch bản, một khuôn mẫu, một cách suy nghĩ…
Ở Việt Nam hầu như không thể có một quán ăn văn minh như mình gặp, vì tính tự giác, tự nguyện của người Việt còn quá kém. Cho nên mình rất ủng hộ và mong có thêm nhiều bạn bè mình hay nhiều người Việt đi thật xa, làm khác, và suy nghĩ độc lập hơn so với bây giờ. Buồn khi nhận thấy là người Việt nói chung còn quá rụt rè, suy nghĩ theo tâm lý đám đông…
Còn với Kim Ngân là tâm sự của một người trẻ có điều kiện đi đến nhiều nơi trên thế giới: “Bước đi để tự hào về Tổ quốc mình. Khi không thể xin được visa từ Hàn Quốc sang Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều
Tiên, mới biết tự hào về chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội chạy thẳng 36 tiếng vào TP.HCM. Bước đi để trân trọng Tổ quốc mình hơn. Những ngày nghỉ học ở Paris giật mình vì nghe khủng bố ở Iraq hay sợ hãi khi nghe tin súng nổ ở Thái Lan, bước đi để thấy trân trọng bầu không khí hòa bình của Tổ quốc, để thấy bình yên mỗi buổi tới trường”.
Mới đây, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã phát đi phong trào “ Tôi yêu Tổ quốc tôi”. Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, mệnh đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi” nghe thì đơn giản tựa như hơi thở, nhưng để chúng ta hành động trong cuộc sống hàng ngày không hề đơn giản. Bởi, lòng yêu nước chính là giá trị cốt lõi của sự phát triển và phải được trao truyền qua các thế hệ.
Ông Dương Trung Quốc khẳng định: “Nói đến lòng yêu nước là nói đến trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với Tổ quốc. Đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề, thách thức, trong đó có sự nghèo nàn, lạc hậu. Mỗi thanh niên hãy phát huy sức trẻ, đặc biệt là bầu nhiệt huyết, sự sáng tạo để dựng xây đất nước giàu mạnh, khẳng định trí tuệ, tiếng nói, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.
GS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, dù ở các thế hệ khác nhau nhưng tình cảm đối với Tổ quốc của người dân Việt Nam thì đều giống nhau. Giáo sư mong muốn chúng ta hãy coi “Tôi yêu Tổ quốc tôi” là lời thề nguyện của tuổi trẻ yêu Tổ quốc mình, yêu nhân dân mình, yêu chế độ mình.
Giáo sư cho rằng: “Nếu như thế hệ cha anh biết đau nỗi đau mất nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh giành độc lập cho Tổ quốc thì giờ đây thanh niên ta phải biết đau, biết nhục vì đất nước vẫn còn nghèo nàn, lạc hậu. Thanh niên phải là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, các bạn hãy rèn tư duy, đổi mới cách nghĩ, cách làm để bứt phá về phía trước, dù trách nhiệm đặt lên vai thế hệ trẻ rất nặng nề nhưng đó là trách nhiệm vinh quang. Đó là đích đến của lòng yêu nước”.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, mỗi thanh niên hãy xem “Tôi yêu Tổ quốc tôi” là lời thề từ trái tim, không bao giờ phai nhạt lý tưởng. Bất cứ đối tượng tầng lớp nào cũng phấn đấu rèn luyện thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động nhỏ nhất.
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho rằng, “Tôi yêu Tổ quốc tôi” vừa là lời thề, vừa là tâm nguyện chảy trong huyết quản mỗi người dân nước Việt.
Chị Tạ Thị Vân Hà ( Hà Nội) cũng cho rằng, yêu nước không hẳn cứ phải làm việc to tát mà hãy bắt đầu bằng những việc làm nhỏ nhất. Với học sinh, đơn giản như những câu nói đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, có hành động rất nhỏ trong giữ gìn bản sắc, văn hóa dân tộc… cũng là yêu nước.
Và những rung cảm
Người trẻ hôm nay, như bao thế hệ trước đã dày công vun đắp vẫn luôn hướng đến Tổ quốc, đến quê hương bằng những công việc hàng ngày dẫu giản dị nhưng đầy khát vọng! Chỉ cần bạn sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với cộng đồng cùng những nỗ lực và hoài bão. “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay!”. Giản đơn như khi mùa hè về, hàng ngàn bạn trẻ lại hối hả dành thời gian hè cho những công việc tình nguyện vì những người khó khăn, về vùng sâu, vùng xa của đất nước.
Một người trẻ đã thành công chia sẻ: Chúng ta hãy bớt than thở hay cố tìm một lý do nào đó bên ngoài bản thân. Bởi lẽ, trước khi muốn nền bóng đá của chúng ta có thứ hạng tốt, chính chúng ta nếu là cầu thủ thì phải là một cầu thủ tốt, nếu là người hâm mộ, hãy là một người hâm mộ chân chính, vinh danh lối chơi đẹp và tẩy chay bán độ; nếu là một tiếp viên hàng không, hãy là một tiếp viên thân thiện; nếu là bình luận viên, hãy là một bình luận viên sâu sắc và tinh tế…
Hà An, một bạn trẻ đã viết lên những rung cảm của mình khi hát Quốc ca: “Tôi hỏi mẹ: tại sao khi hát Quốc ca mọi người thường đặt tay lên ngực trái. Mẹ trả lời: vì đó là câu hát của trái tim mình...”.
Tôi hát Quốc ca khi tới trường vào mỗi sáng thứ hai. Đất nước trong đôi mắt mở to háo hức. Tôi hát Quốc ca trước khi bước vào phòng thi tốt nghiệp. Đất nước trong đôi tay hôm nay đang hồi hộp. Câu hát băn khoăn trong nhịp trống, nhịp tim: ngày mai mình sẽ là ai trong đất nước này, mình sẽ làm được gì cho xứ sở mình yêu thương?...”.
Quý An thì cảm nhận Tổ quốc như có vị mặn: “Nếu Tổ quốc tôi có một hương vị, nếu tôi có thể nâng niu bằng hai bàn tay và đặt môi hôn, tôi nghĩ rằng nó sẽ có vị mặn. Vị mặn của biển bởi khi ông tôi xa quê thèm món cá khô. Vị mặn của máu những người trai trẻ năm xưa đổ xuống cho dải đất sau 20 năm chia cắt được nối liền. Vị mặn nước mắt của bà tôi trong những năm kháng chiến khóc ông tôi, khóc bác tôi, khóc chú tôi, những người ra trận rồi không về... Đất đai này mặn, nước non này mặn... Với tôi, Tổ quốc Việt Nam thật mặn”.
Bạn Nguyễn Phước Lộc, Học viện Cảnh sát Nhân dân chia sẻ: “Tôi tin chắc rằng, tình yêu quê hương, đất nước luôn hiện hữu trong trái tim mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay đều có một góc riêng đặc biệt dành cho Tổ quốc của mình. Tuổi trẻ với hoài bão và khát vọng cùng trí tuệ và sức sáng tạo luôn khao khát vươn tới những tầm cao mới của thời đại, sẵn sàng hành động vì đất nước”.
Tổ quốc là đây chứ còn đâu nữa, là những gì mà ta không bao giờ có thể rời xa, là khát khao cháy bỏng không bao giờ nhàm chán, là quê hương như máu thịt không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi con người, và để mỗi người sống hết mình với tuổi trẻ và tình yêu nước thiết tha...