Đại biểu Quốc hội đánh giá cao Kỳ họp trực tuyến đầu tiên của Quốc hội

(PLVN) - Hôm nay (19/6), Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sẽ có ngày làm việc cuối cùng để tiếp tục thông qua một số đạo luật, nghị quyết quan trọng và bế mạc vào chiều cùng ngày. Đây chính là kỳ họp đầu tiên Quốc hội tổ chức họp trực tuyến và cũng có nhiều điểm thay đổi trong phương thức làm việc của Quốc hội như chia thành hai đợt, không có chất vấn tại hội trường... Trong suốt quá trình diễn ra Kỳ họp, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã ghi nhận được ý kiến đánh giá về Kỳ họp của một số đại biểu Quốc hội.

* Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa (tỉnh Thừa Thiên - Huế): Quốc hội luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước 

Lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày, các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tăng lên đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận rất sôi nổi, công khai, dân chủ được dư luận đánh giá cao.

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa.
Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Nghĩa. 

Qua hình thức tổ chức Kỳ họp thứ 9, tôi thấy các chương trình, nội dung chất lượng đề ra rất tốt. Các đại biểu tham gia đóng góp vào xây dựng luật, các nghị quyết hoặc thảo luận các lĩnh vực mà chương trình của Kỳ họp đề ra đều bảo đảm và được các đoàn đại biểu rất ủng hộ.

Đặc biệt, với hình thức họp trực tuyến chia làm hai giai đoạn sẽ tạo điều kiện về mặt thời gian để các đại biểu và các lãnh đạo địa phương, bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua, đồng thời  các đại biểu cũng có thời gian kịp thời chuẩn bị công việc giữa năm và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.

Những kết quả đạt được tại Kỳ họp bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới. Kết quả này cũng một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước.

* Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa: Nhiều Bộ trưởng trả lời trọng tâm, không né tránh các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu

Tôi cho rằng họp trực tuyến hiệu quả, tiết kiệm, đạt được đầy đủ chương trình làm việc. Đại biểu Quốc hội có thời gian họp tập trung và đồng thời có thời gian ở địa phương giải quyết các công việc khác. Tôi nghĩ rằng trong tương lai Quốc hội nên phát huy và nhân rộng mô hình kết hợp họp trực tuyến. Nhiều đại biểu hiến kế, nêu lên giải pháp xác thực, có hiệu quả cao đóng góp cho Chính phủ để đưa ra giải pháp khôi phục nền kinh tế.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa.

Trong Kỳ họp này, mặc dù không thực hiện chất vấn trực tiếp tại hội trường, tuy nhiên quyền chất vấn vẫn được đại biểu Quốc hội thực hiện thường xuyên. Cá nhân tôi vẫn gửi chất vấn các Bộ trưởng bằng văn bản và được các Bộ trưởng trả lời kịp thời.

Tôi cho rằng không hạn chế quyền của đại biểu. Tuy nhiên, nếu phiên chất vấn được tổ chức theo hình thức tập trung của Quốc hội và được truyền hình trực tiếp thì cử tri có thể theo dõi dễ dàng hơn.

Song phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội được truyền hình trực tiếp mới đây thực chất cũng là phiên chất vấn vì khi các đại biểu nêu vấn đề liên quan đến các bộ, ngành nào thì lập tức các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành trả lời các vấn đề đó.

Cho đến nhiệm kỳ này, các Bộ trưởng đa số đã có kinh nghiệm đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Nhiều Bộ trưởng thẳng thắn trả lời trọng tâm, không né tránh  vào các vấn đề đại biểu nêu như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Những vấn đề nóng được các đại biểu Quốc hội nêu tại diễn đàn Quốc hội đều được các Bộ trưởng trả lời, không né tránh. Tôi cho rằng điều này rất tốt, quan trọng giúp nhìn ra đường hướng sắp tới Bộ, ngành đó sẽ xử lý vấn đề trong tương lai như thế nào.

* Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh: Chúng ta chỉ thay đổi hình thức chất vấn

Họp trực tuyến thì không khí có vẻ không đông vui nhưng cũng là chuyện bình thường, chúng ta phải thích nghi và làm tốt việc này hơn nữa. Còn về tính hiệu quả thì tôi đánh giá là hơn, ở Trung ương có khoảng 200 đại biểu, số đại biểu còn lại ở địa phương không phải đi lại, ăn nghỉ tốn kém.

Đại biểu Đỗ Văn Sinh.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh.

So với các Kỳ họp trước, không còn chất vấn tại hội trường khiến chúng ta cảm thấy thiếu, không sôi động, nhưng chúng ta đang thay đổi hình thức, chứ không phải bỏ chất vấn. Trên cơ sở kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội có thể gửi thẳng yêu cầu đến người cần chất vấn để họ trả lời bằng văn bản và tổng hợp lại để báo cáo với cử tri.

* Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương: Điểm quan trọng của chất vấn là thực hiện giám sát của Quốc hội được ngày càng tốt hơn

Về việc họp online có giúp tiết kiệm chi phí không thì tôi cho rằng, so sánh là vô cùng. Theo tôi biết, họp trực tuyến, chi phí thuê đường truyền khá đắt. nhưng trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn, đại biểu các nơi về có đông người tập trung. 

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. 

Việc không thấy được hết sự hấp dẫn, căng thẳng, sôi nổi trên Hội trường mà mọi người quan tâm, theo tôi chỉ là một khía cạnh. Vấn đề là qua chất vấn để làm thế nào thực hiện giám sát của Quốc hội ngày càng tốt hơn thì tôi vẫn có thể chất vấn bằng văn bản tôi nếu Chính phủ thực hiện được việc trả lời nhanh, gọn, tốt, đúng vấn đề. 

Trước giờ việc chất vấn bằng văn bản tiến hành bình thường, còn đưa ra phiên họp chất vấn ở hội trường  được truyền hình trực tuyến thì cũng chỉ một hình thức, chứ bình thường trong thời gian có kỳ họp, dù không có dịp nào thì đại biểu vẫn chất vấn bình thường. Quan trọng là làm thế nào để công khai nội dung đại biểu chất vấn và câu trả lời của Chính phủ đối với vấn đề chất vấn, giúp cho báo chí truyền tải thông tin đến cử tri, người dân rằng những vấn đề đó đã được Quốc hội chất vấn, Chính phủ trả lời một cách chu đáo không.

Công tác giám sát với hoạt động chất vấn là chức năng của đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn thư ký. Trên cơ sở trả lời chất vấn, đánh giá việc trả lời đã đáp ứng yêu cầu chưa. Tùy đại biểu, bản thân đại biểu là người đánh giá chính xác nhất câu trả lời của Chính phủ.

Đọc thêm