Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm VPQH cho biết, trong lịch sử hình thành và phát triển, báo chí và QH có mối quan hệ mật thiết khi báo chí là “cầu nối” để phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người dân với QH. Do đó QH luôn quan tâm tới vấn đề truyền thông nhằm nâng cao năng lực hiệu quả của đại biểu QH và QH để từ đó xây dựng mối quan hệ thân thiết của cử tri với QH, góp phần nâng cao hình ảnh của QH với cử tri.
Phát biểu tại hội thảo, bà Iwama Nozomi, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho rằng, cần nâng cao hiệu quả của truyền thông, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu QH và QH. Từ đó đem lại thông tin có ý nghĩa với cuộc sống người dân.
Đồng quan điểm, ông Kuboya Masayoshi, giảng viêng của trường đại học Tokai Nhật Bản nhận định, các loại hình truyền thông trên mạng internet hiện nay gồm có khá nhiều, tuy nhiên phải chọn lọc thông tin, tránh việc đưa các thông tin mang tính phân biệt về giới, những thông tin độc và phải kiểm tra cẩn thận trước khi đưa thông tin, ý kiến của mình lên internet. Về việc đối phó với các thông tin “công kích”, ông Kuboya Masayoshi cho rằng, muốn tranh luận và phản biện trực diện thì cần đăng tải thông tin xác thực để chứng minh ngược cho sự công kích đó.
Theo nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của mạng lưới marketing và quảng cáo độc lập toàn cầu, các đại biểu QH sử dụng mạng xã hội làm thế nào để đích danh, không ai giả mạo tài khoản của mình, chỉ chia sẻ những thông tin xác thực và hạn chế đưa thông tin cá nhân vì mình là đại diện cho tiếng nói của người dân, tránh đưa những thông tin mang tính quan điểm cá nhân và không bình luận những thông tin trên nghị trường, đồng thời tránh thảo luận các vấn đề riêng tư để kiểm soát bình luận và tránh tranh cãi trên mạng internet…