Đó là quan điểm của Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng LS Chính Pháp, đoàn LS TP Hà Nội về sự việc ông chủ Khaisilk chính thức lên tiếng xin lỗi, thừa nhận bán lụa “Made in China”.
Theo LS Cường, thông qua báo chí, ông Hoàng Khải – chủ thương hiệu Khaisilk đã thừa nhận thương hiệu Khaisilk có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc và đã cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng. Việc “nhập nhằng” xuất xứ khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu Việt. Đây là sự việc rất đáng buồn cho một thương hiệu sau bao nhiêu năm gầy dựng, giữ gìn.
“Sự việc của Khaisilk đã gây nên một chấn động rất lớn trong dư luận và ngay cả bản thân tôi cũng cảm thấy bất ngờ bởi rất nhiều khách hàng đã và đang tin tưởng thương hiệu Khaisilk” – LS Cường chia sẻ.
Khăn lụa Khaisilk thường được dùng làm quà cho các đối tác, bạn bè quốc tế khi sang Việt Nam để ngoại giao hay hợp tác kinh doanh. Sự việc này sẽ ảnh hưởng đến “cái nhìn” của bạn bè quốc tế vào những sản phẩm, thương hiệu có xuất xứ từ Việt Nam.
Theo thông tin ban đầu, ngày 17/10, Công ty V. có mua 60 chiếc khăn lụa của Khaisilk trị giá 38.640.000 đồng (644.000 đồng/chiếc) và phát hiện lô hàng khăn lụa mua từ thương hiệu Khaisilk có sản phẩm vừa gắn mác thương hiệu Việt vừa gắn mác Trung Quốc, một số khác thì chỉ có thương hiệu Khaisilk nhưng mác Trung Quốc đã bị cắt.
Vụ việc nói trên chưa kịp lắng xuống thì tiếp tục có một khách hàng khác tên L. đến từ Hà Nội cũng khẳng định mình gặp phải tình trạng tương tự.
Đại diện Khaisilk lý giải rằng chiếc khăn "hai mác" thuộc một đơn hàng do Khaisilk đang sản xuất với số lượng 350 chiếc cho khách hàng Design GO tại Hong Kong. Những chiếc khăn này được đặt may riêng nhãn mác "Made in China" theo yêu cầu của khách vì lý do thủ tục nhập khẩu riêng của khách hàng.
Về lý giải này, LS Cường cho rằng hiện nay, ông Khải đã thừa nhận việc có nhập lụa Trung Quốc về sản xuất và gắn mác “Made in VietNam”. Tuy nhiên, đối với lô hàng nêu trên lại đồng thời có hai mác là “Made in VietNam” và "Made in China" là không đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, việc công ty Khaisilk sản xuất khăn lụa tại Việt Nam nhưng gắn mác Made in China trên sản phẩm là không phù hợp quy định pháp luật. Việc này các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần phải điều tra làm rõ thêm để xác định có dấu hiệu của việc buôn bán, sản xuất hàng giả hay không để có biện pháp xử lý thích hợp.
Trong trường hợp sau khi các cơ quan chức năng kết luận vụ việc thì căn cứ vào mức độ, tính chất hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì ông hải Silk có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất - buôn bán hàng giả” theo Điều 156 bộ luật hình sự 1999.
Theo đó mức hình phạt cao nhất lên đến mười lăm năm tù, ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Ngoài ra, nếu khách hàng có đơn tố cáo vì đã bán hàng giả với số lượng lớn như vậy thì rất có thể ông Khải sẽ phải bị xử lý hình sự về tội “Lừa dối khách hàng” theo Điều 162 Bộ luật hình sự năm 1999. Cụ thể:
1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Như vậy, nếu khách hàng có đơn tố cáo và cơ quan chức năng xác định ông Khải sản xuất – buôn bán hàng giả thì ông Khải sẽ phải chịu cùng một lúc hai tội danh như đã nói ở trên.