Vụ án gây chấn động thành phố Thượng Hải, nhiều người đoán già đoán non rằng con trai sát hại cha để độc chiếm tài sản. Nhưng sự thực đằng sau vụ án con sát hại cha này là gì?
Thành công trong sự nghiệp
Hà Văn Hào sinh ra và lớn lên tại thành phố Thượng Hải. Sau khi rời quân ngũ phục viên, Hào vay mượn tiền của người thân và bạn bè mở một xưởng sản xuất đồ điện nhỏ. Đầu năm 1985, cùng với sự hỗ trợ toàn lực của vợ là Trương Tiết Minh, Hào thành lập công ty chuyên sản xuất máy biến áp.
Từ khi thành lập công ty, công việc bận bịu nên hai người con của Hào là Hà Tuấn và Hà Vũ thường xuyên vài ba tháng mới gặp cha được một lần. Vậy là, Hào hết sức chiều chuộng con, coi đó như một sự bù đắp cho những thiệt thòi của chúng.
Có tiền rủng rỉnh do cha chu cấp, Hà Tuấn kết giao với nhóm bạn xấu, chơi bời, tiêu pha không tiếc tay. Tiền cha cho không đủ cho những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Bị bạn bè dụ dỗ, Tuấn thực hiện nhiều vụ trộm cắp lớn. Đầu năm 1986, Tuấn bị bắt và nhận mức án 6 năm tù giam về tội “Trộm cắp”.
Việc con trai phạm tội đi tù gây cho Hào một cú sốc rất lớn, Hào nghĩ, mình khổ sở vất vả phấn đấu vì gia đình mà con cái lại khiến mình mất mặt. Lúc đầu, thỉnh thoảng Hào vẫn đến trại giam thăm Tuấn. Nhưng sau này, công ty ngày càng phát triển, công việc bận túi bụi nên số lần Hào đi thăm con ít dần.
Tuy mẹ Tuấn không ngừng an ủi, nhưng Tuấn vẫn cho rằng, Hào cảm thấy xấu hổ vì anh ta nên mới không đến thăm.
Năm 1992, Tuấn được trả tự do. Về nhà tĩnh dưỡng một thời gian, Tuấn bắt đầu đi tìm việc làm. Sau vài lần cãi vã, cuối cùng Hào cũng đồng ý với vợ sắp xếp cho Tuấn vào làm việc tại công ty nhưng là ở dưới xưởng sản xuất.
Trong công ty, Hào luôn nghiêm khắc với Tuấn. Tuy vậy, Tuấn vẫn hi vọng chứng minh bản thân để cha nhìn nhận mình nên cũng rất nghiêm khắc với bản thân, chịu khó phấn đấu trong công việc.
Trong xưởng sản xuất, Tuấn quen một cô gái kém mình 12 tuổi tên Hồ Trung Bình. Lúc này, Tuấn muốn tự mình tạo lập cuộc sống nên trong một bữa cơm, Tuấn bàn với cha mẹ về kế hoạch tương lai. Hào nghe xong cảm thấy không vui vẻ nên bỏ ra ngoài.
Mấy ngày sau, Hào đem một bộ giấy tờ nhà giao cho vợ, bảo vợ đưa cho Tuấn, coi như món quà cho hai vợ chồng Tuấn. Tuy nhiên, Hào cũng dặn vợ đừng nói với Tuấn đó là nhà do Hào mua vì không muốn Tuấn biết tình hình kinh tế gia đình, như vậy sẽ làm mất chí tiến thủ của Tuấn. Tháng 6/1994, Tuấn cưới vợ, bắt đầu cuộc sống trong căn nhà mới nhưng vẫn làm việc tại công ty của cha.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, tình hình kinh doanh của Hào ngày càng phát triển, thuận buồm xuôi gió, Hào trở thành một ông chủ lớn, có tiếng trong lĩnh vực sản xuất máy biến áp. Do bận công việc, thời gian chăm sóc gia đình của Hào ngày càng ít đi.
Năm 2000, bằng sự nỗ lực của mình, Tuấn đã trở thành một cán bộ chủ chốt trong công ty của Hào nhưng Tuấn vẫn cảm thấy Hào vẫn không thay đổi cách nghĩ về mình. Vì vậy, Tuấn rời bỏ công ty, ra ngoài tự kinh doanh.
Thất bại trong gia đình
Năm 2006, người con thứ hai của Hào là Hà Vũ bị tòa án nhân dân thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô kết án 5 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Hào cảm thấy khó có thể chấp nhận sự thực này, nghĩ mình là người thành công trên con đường sự nghiệp nhưng lại là kẻ thất bại hoàn toàn trong vấn đề gia đình.
Kỳ thực, từ khi Tuấn bị kết án, Hào cũng bắt đầu nghiêm khắc với Vũ, bất kể bận bịu thế nào cũng cố gắng quan tâm việc học hành và sinh hoạt của Vũ.
Tuy nhiên, từ trước đó Vũ đã hình thành thói quen tiêu tiền như phá. Khi phát hiện ra, Hào cắt giảm các khoản chi tiêu của Vũ. Vì vậy, giữa hai cha con thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Những lúc như vậy, vợ Hào lại dấm dúi đưa tiền cho Vũ.
Vì việc Vũ vào tù, Hào tỏ ra vô cùng bất mãn với vợ, vợ Hào vì vậy cảm thấy rất tủi thân, uất ức, tình cảm hai vợ chồng rơi vào tình trạng “chiến tranh lạnh”. Từ đó, Hào chán nản không muốn về căn nhà gây ra nhiều thất vọng nên nhiều lúc ở lại luôn công ty.
Trong công ty có nhân viên tên Ngô Hồng Mai, phát hiện sự thay đổi của Hào nên thường chủ động tìm đến tâm sự, giúp Hào giải tỏa tâm lý. Một lần, Hào hỏi Mai tại sao lại sống một mình ở Thượng Hải?.
Mai thở dài nói, thực chất mình đến Thượng Hải làm việc là vì muốn trốn tránh cuộc hôn nhân thất bại. Thì ra, chồng của Mai là người không có ý chí, cả ngày chỉ đắm chìm trong rượu và cờ bạc, tài sản gia đình tiêu tán hết. Mai không chịu đựng được nên ly hôn.
Nhắc lại chuyện buồn, Mai bất giác lại rơi nước mắt… Lâu dần, qua những cuộc tâm sự, Hào và Mai ngày càng gần gũi nhau hơn rồi trở thành nhân tình.
Tháng 3/2008, Hào nói chuyện với vợ, đề nghị ly hôn, đồng thời hứa cho Tiết Minh khoản tiền 200 ngàn tệ để bù đắp, tĩnh dưỡng tuổi già. Hào biết rõ rằng, ở cái tuổi hơn 60 lại đột ngột ly hôn nhất định sẽ đối mặt với sự dị nghị của mọi người nên đề nghị vợ, tuy ly hôn nhưng bên ngoài vẫn duy trì quan hệ như vợ chồng.
Về mối quan hệ bất chính với Mai, Hào nói rõ, ở công ty giữa Hào và Mai vẫn là cấp trên cấp dưới, nếu không sẽ ảnh hưởng đến danh dự của cả hai. Mai cũng không muốn mọi người bàn luận về mối quan hệ này nên đồng ý. Mấy tháng sau, Hào điều chuyển Mai lên làm chủ quản bộ phận tài vụ.
Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, Tuấn nghe một đồng sự cũ kể về quan hệ của cha với Ngô Hồng Mai. Tuấn không nghĩ cha mình lại phản bội mấy mẹ con, nhưng sau vài lần để ý, quả nhiên anh ta phát hiện cha không còn về nhà nữa.
Một ngày tháng 7/2009, Tuấn hỏi mẹ xem đã xảy ra chuyện gì, nào ngờ Trương Tiết Minh đem hết chuyện kể với con. Hà Tuấn nghe xong, tinh thần bị kích động liền lập tức đòi đến công ty gặp Hào để nói cho ra nhẽ.
Tiết Minh kéo Tuấn lại, bình tĩnh nói mình không cho Tuấn biết việc này vì sợ Tuấn sẽ bị kích động giống như lúc này. Hơn nữa, Hào cũng đã hứa cho mình một khoản tiền đủ để dưỡng già, bây giờ tùy Hào muốn làm gì thì làm.
Được mẹ ngăn cản, Tuấn cũng dần nguôi. Nhưng về nhà, càng nghĩ đến số tiền 200 ngàn tệ Hào bồi thường cho mẹ càng thấy tức giận và cảm giác kinh tởm. Bởi chẳng lẽ bao năm nay mẹ vất vả vì gia đình mà chỉ đáng số tiền ít ỏi đó? Trong lúc tức giận, Tuấn gọi điện cho Hào yêu cầu Hào giải thích. Nhưng chưa nói hết câu thì Hào nói mình đang bận họp rồi tắt máy.
Tuấn cho rằng cha lo sợ không dám nói chuyện nên quyết tâm tìm lại công bằng cho mẹ. Tuấn lập tức lái xe đến công ty Hào, bất chấp sự ngăn cản của nhân viên thư ký, Tuấn chỉ mặt Mai rồi hỏi cha: muốn “con hồ ly” này hay muốn gia đình?. Nhưng Hào lập tức thông báo bảo vệ đưa Tuấn ra khỏi công ty.
Đang lúc bị kích động mạnh, Hào không kìm chế được bản thân, đứng ngoài cổng hò hét đòi Hào ra ngoài đối chất. Hành động của Tuấn gây sự chú ý với mọi người. Biết chuyện, một lúc sau Trương Tiết Minh cũng đến nơi, khó khăn lắm mới kéo được Tuấn về.
Tối hôm đó, Tuấn tức giận không muốn ăn cơm, ngồi ở phòng khách xem tivi cho đỡ buồn. Nhưng đầu óc thì suy nghĩ, mình nhất định phải đòi lại món nợ này cho mẹ.
Vậy là, Tuấn bắt đầu tính kế thực hiện một kế hoạch.
Tháng 9/2008, Tuấn gặp lại một người bạn cũ tên Hồ Trung Học. Học nói mình đang cần tiền, muốn kiếm việc gì đó để làm hoặc kinh doanh nhỏ. Tuấn vui mừng nghĩ cơ hội thực hiện kế hoạch đã đến nên lưu lại số điện thoại của Học.
Tối hôm đó, Tuấn gọi điện cho Học nói muốn giới thiệu một vụ làm ăn cho Học. Học vui mừng hỏi xem chuyện gì? Tuấn nói nhỏ: “Bắt cóc bố tao”. Lúc đầu, Học cho rằng Tuấn nói đùa. Nhưng trong vòng một tháng, tuần nào Học cũng nhận được điện thoại của Tuấn, đồng thời Tuấn hứa với Học sẽ trả công 500 ngàn tệ khi việc đã thành, Học đồng ý.
Sau đó, Học tìm thêm người bạn cùng quê tên Trình Phổ Vĩnh, hứa sẽ cho Vĩnh 200 ngàn tệ để cùng thực hiện việc bắt cóc. Vĩnh vui vẻ đồng ý ngay. Tiếp đó, Học âm thầm theo dõi Hà Văn Hào nhiều lần, nắm bắt được quy luật sinh hoạt của Hào. Sau khi đã sắp đặt sẵn kế hoạch một cách chi tiết tỉ mỷ, Học gọi điện cho Tuấn thông báo, đồng thời cho biết còn thiếu một số dụng cụ gây án.
Tháng 1/2010, Tuấn lên mạng tìm mua hai roi điện cảnh sát giao cho Học. Thời gian này, Tuấn thường xuyên gọi điện giục Học, nói sắp đến tết rồi phải làm nhanh để Học có tiền về quê ăn tết. Học thấy Tuấn nói có lý nên hứa sẽ thực hiện trước tết.
Con bắt cóc cha đòi công bằng cho mẹ
Khoảng 10h tối 1/2/2010, Tuấn nói với vợ rằng mình đi tiếp khách có thể phải về muộn. Khoảng 1 tiếng sau, Tuấn đến chỗ tạm trú của Học đón Học và Vĩnh. Cả bọn đem theo 4 cuộn băng dính, 2 roi điện và 3 bộ găng tay màu trắng để chuẩn bị thực hiện bắt cóc Hào.
Khi đến gần công ty của Hào, cả ba giấu xe rồi đi bộ đến phía tây của nhà máy, trèo tường vào trong rồi thuận lợi đột nhập vào phòng của Hào. Tuấn đứng cạnh tường cảnh giới để Học và Vĩnh thực hiện bắt cóc.
Vào trong phòng, Học thấy hào đang nằm trên giường ngủ. Học nhẹ nhàng đến bên cạnh dùng roi điện chích vào đầu Hào, tuy nhiên, Hào không bị điện giật bất tỉnh mà lập tức ngồi bật dậy, hỏi Học và Vĩnh là ai? Vĩnh thấy vậy lập tức nhảy lên giường dùng tay kẹp cổ Hào, tay còn lại bịt miệng Hào.
Thấy Vĩnh khống chế được Hào, Học liền xông đến dùng roi điện chích vào người và đầu Hào. Nhưng Hào liên tục phản kháng dữ dội, phải hơn 10 phút chích điện vào đầu, Hào mới bất động. Lúc này, Tuấn gọi điện vào trong hỏi tình hình thì Học nói Hào đã không còn cựa quậy nữa.
Đột nhiên, một sự sợ hãi vô hình bắt đầu bủa vây trong đầu Tuấn, Tuấn run rẩy nói mình chỉ muốn cho người cha phụ bạc một bài học và đòi lại những gì mà mẹ đáng được hưởng chứ không muốn lấy mạng ông ta.
Trong ánh đèn lờ mờ ở khu nhà, Học và Vĩnh dùng băng dính dán chặt miệng Hào, sau đó trói chân tay rồi dùng ga trải giường bọc cơ thể Hào lại. Học bảo Vĩnh lau sạch sàn nhà, không để lại một vết chân nào rồi liên lạc với Tuấn đứng dưới tiếp ứng để đưa Hào xuống dưới.
Sau khi đưa được nạn nhân ra xe, Tuấn châm thuốc, toàn thân run rẩy nói không biết cha mình có chết hay không vì ông đã không còn động tĩnh gì. Khi kiểm tra kỹ, quả thực Hào đã tắt thở, cơ bắt đầu lạnh ngắt. Lúc này, Học và Vĩnh ngồi ở băng ghế sau, không biết làm thế nào đành đặt Hào nằm dọc trên chân mình. Tuấn thấy vậy không nói gì thêm, khởi động xe chạy dọc theo quốc lộ về phía tây.
Đến một cây cầu vắng người qua lại, Tuấn bảo Học và Vĩnh đưa cha xuống xe, sau đó nhặt đá đặt vào tấm ga trải giường, dùng băng dính quấn chặt lại. Tuấn còn tìm mấy tảng đá lớn buộc vào chân, đầu Hào. Xong đâu đấy, cả ba lăn thi thể Hào xuống sông rồi vội vàng lên xe rời khỏi hiện trường.
Trên xe, không khí hết sức căng thẳng không ai nói với ai câu gì. Tuấn phá vỡ sự im lặng, nói người chết thì cũng chết rồi, giờ vẫn tiếp tục làm theo kế hoạch đã bàn bạc từ trước.
Khoảng 9h sáng hôm sau, theo sự chỉ đạo của Tuấn, Hồ Trung Học mua một sim điện thoại mới, sau đó gọi điện cho Ngô Ngọc Mai yêu cầu Mai chuẩn bị 1.5 triệu tệ để “mua lại” ông chủ của công ty. Gọi điện xong, Học gọi cho Tuấn thông báo tình hình, Tuấn khen Học làm tốt, nói đợi mình đến công ty dò la tình hình động tĩnh xem thế nào. Tuấn hứa số tiền 500 ngàn tệ sẽ không thiếu một đồng nào cho Học, đồng thời yêu cầu gọi thêm một cuộc điện thoại cho Mai rồi phải lập tức tắt máy ngay.
Nhận được điện thoại, Ngô Ngọc Mai vội vã chạy đến văn phòng của Hào xem sự tình, phát hiện Hào không đến công ty. Mai lo lắng nói với Tuấn rằng mình vừa nhận được một cuộc điện thoại của một người đàn ông thông báo ông chủ bị bắt cóc nhưng gọi điện thoại lại thì máy của đối phương đã tắt. Mai nói mình đã đi báo cảnh sát rồi.
Tuấn đến nơi quát Mai tại sao lại báo cảnh sát, đồng thời đuổi Mai về nhà, nếu có thông tin gì sẽ thông báo cho Mai sau. Sau khi Mai đi khỏi, Tuấn ngồi vào vị trí của cha, bắt đầu chơi trò điện tử xếp bài trên điện thoại. Chơi được khoảng 2 ván thì cảnh sát xuất hiện tại công ty, khống chế đưa Tuấn đi.
Thì ra, sau khi nhận được tin báo của Mai, cảnh sát lập tức huy động toàn lực gấp rút điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, kết hợp điều tra công nghệ cao, cảnh sát đã bắt được Hồ Trung Học và Trình Phổ Vĩnh. Khai thác nhanh, cả hai khai ra kẻ chủ mưu.
Trương Tiết Minh sau khi biết Hà Tuấn bị cảnh sát đưa đi liền lập tức đến đồn cảnh sát, liên tục trách cứ cảnh sát tại sao lại bắt nhầm con mình vào đây? Mãi đến khi cảnh sát đưa ra bằng chứng Hà Tuấn, Hồ Trung Học, Trình Phổ Vĩnh khai nhận toàn bộ quá trình bắt cóc, sát hại Hà Văn Hào thì Trương Tiết Minh mới bàng hoàng tỉnh ngộ nhưng vẫn không sao chấp nhận được sự thực này. Bà ngã quỵ xuống đất, vẻ mặt thất thần liên tục lắc đầu lẩm bẩm một mình.
Viện kiểm sát cho rằng, Hà Tuấn, Hồ Trung Học và Trình Phổ Vĩnh đã có bàn bạc kế hoạch từ trước, sử dụng thủ đoạn bạo lực, tước đoạt mạng sống người khác nên đã phạm tội “Giết người”. Trong phiên tòa mở ra ít lâu sau, cả ba bị cáo trên đều phải trả cái giá xứng đáng với tội danh của mình.
Trong câu chuyện nói trên, có nhiều điều khiến chung ta phải suy nghĩ. Nạn nhân Hà Văn Hào trong quá trình phát triển sự nghiệp đã vô tình quên mất trách nhiệm giáo dục và dành tình cảm cho con cái, để rồi khi vấn đề xảy ra thì đã quá muộn.
Vật chất có thể mua được nhiều thứ, giải quyết được nhiều việc, nhưng tiền không thể mua được tình cảm. Có thể nói, cha mẹ và con cái là một hình tam giác có 3 góc. Chỉ cần một góc bị khuyết đi sẽ gây ra sự mất cân bằng, hậu quả đôi khi lại thảm khốc như câu chuyện nói trên.