“Làm sao anh Kiên lừa tôi được”
Tại tòa, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Tôi quan hệ với ông Kiên từ rất lâu, là bạn bè. Ngày hôm nay tại tòa tôi muốn nói tôi không có mâu thuẫn với anh Kiên, và tất nhiên làm sao có chuyện anh Kiên lừa tôi được”.
Ông Long tiếp tục trình bày: “Thời điểm năm 2010, khi anh Hà ký xác nhận, tôi nghĩ anh Hà không vào sổ sách báo cáo lại. Đây là sơ xuất. Tại tòa tôi cũng nói rõ, anh Hà cũng đã thừa nhận sơ xuất về mặt hành chính.
Ông Trần Đình Long tại tòa sáng 30/5 |
Tôi khẳng định, khi anh Dương ký xác nhận, anh ý không thể biết được, không phải tôi đổ vấy cho ai. Xin tòa cho anh Công là người trực tiếp ký hợp đồng có ý kiến”.
Ông Long trình bày tiếp: “Tôi đã nói cả ở CQĐT để mọi người hiểu rõ, năm 2012, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn, chủ trương của Hòa Phát là co cụm lại về ngành hàng chính là thép, còn anh Kiên có điều kiện về vốn, trường vốn hơn, thậm chí tôi nói rõ với anh Kiên tôi tập trung sản xuất thép, không có nhiều vốn đâu. Tôi rất muốn mua số cổ phiếu này và tôi đã mua xong.
Hôm nay tôi nói lại để anh Kiên nhớ, cổ phiếu bất động sản thời điểm đó là cổ phiếu tốt, nhiều đơn vị muốn mua. Nhiều lần tôi nói thôi anh Kiên đừng bán nữa.
Việc hoán đổi cổ phiếu là mình nói với nhau thế thôi, còn về mặt pháp lý, rõ ràng tôi mua cổ phiếu bất động sản của anh, anh mua cổ phiếu thép của tôi”.
Tại tòa, đại diện Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát cho biết: Việc đơn vị này gửi đơn đến cơ quan điều tra là yêu cầu làm rõ chứ không phải là đơn tố cáo. Đến thời điểm này họ không có thiệt hại.
Vietinbank “vạch” chiêu lách luật của ACB
Tại tòa, đại diện Ngân hàng Vietinbank thể hiện bức xúc trước phần bào chữa của các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo bị cáo buộc tội 'Cố ý làm trái'.
Theo vị đại diện này, NHNN đã tạo ra sân chơi cho các ngân hàng, đó là liên ngân hàng. Vậy tại sao ACB không dùng sân chơi này? ACB đã cố tình né tránh những quy định Nhà nước, vì siêu lợi nhuận mà lách luật, lừa dối NHNN.
Chắc chắn ACB không bao giờ dám báo cáo NHNN việc ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi tiền ở Vietinbank. Về góc độ quản lý Nhà nước, ACB làm vậy thì NHNN không thể quản lý được. Đây là hành vi lách luật và trốn tránh quản lý Nhà nước.
Nhà nước không cấm, chưa có hướng dẫn nhưng các ngân hàng chỉ cần làm công văn, báo cáo, NHNN sẵn sàng chấp thuận nếu không trái quy định.
“Luật sư lại còn nghe thân chủ giật dây đòi kiện NHNN, dù biết rằng pháp luật không bao giờ truy tố pháp nhân. Mượn diễn đàn để chỉ trích cơ quan Nhà nước, bôi nhọ lẫn nhau”, lời vị đại diện Vietinbank.
Ông đại diện Vietinbank tiếp tục trình bày: Ý kiến của luật sư khác thì luôn cho rằng, bám vào 32 hợp đồng mà nhân viên ACB đã ký khi gửi tiền vào Vietinbank. Dựa vào đây, luật sư ACB muốn đẩy sang quan hệ dân sự mà không hiểu rằng nó nằm trong phạm trù hình sự, phải xử lý bằng pháp luật hình sự.
Có sự nhầm lẫn ở chỗ: Ý kiến của luật sư là sai lầm khi nói rằng tiền của ACB đã vào tài khoản của Vietinbank. Thực tế, tài khoản của Vietinbank được mở ở Trung tâm giao dịch số 1 Lý Thái Tổ chứ không phải tài khoản ở số 9 Hàm Nghi. Nên các luật sư nói- tiền của ACB đã vào tài khoản của Vietinbank là sai.
Theo vị đại diện Vietinbank, tiền của các cá nhân mới vào tài khoản của các cá nhân ACB mở ở Vietinbank.
“Các nhân viên người ta không ký lệnh nào, sao tiền vẫn cứ đi. Hồ sơ thể hiện rõ, có trên 80 lệnh chi của các cá nhân, nhân viên ACB ký khống khi chưa có tài khoản nơi thụ hưởng và giao cái khống đó cho Huyền Như.
Đây là kẽ hở chết người để Huyền Như thực hiện hành vi phạm tội mà Vietinbank không thể biết được. Cái hố chết người này xuất phát từ nhân viên ACB”, trích lời vị đại diện Vietinbank.
Dành thời gian phân tích ACB hay Vietinbank vi phạm pháp luật, ông đại diện Vietinbank đưa ra quan điểm: Thứ nhất, trong việc ACB ủy thác cho cá nhân, nhiều ngân hàng giật mình sửng sốt cho rằng quá liều lĩnh, bởi không ai làm như vậy.
ACB có bị rủi ro hay không? Các nhân viên rút tiền của mình trốn thì sao? Người ta có thể cầm tiền về nộp cho ACB nhưng ngày mai vẫn có thể dùng lệnh chi rút tiền rồi bỏ trốn.
Ở đây nhân viên ACB đã gặp siêu lừa Huyền Như. Như vậy ACB đã liều lĩnh dù nhìn thấy trước hậu quả... Đó là những sai lầm nghiêm trọng vô cùng dẫn đến việc mất tiền.
“Vietinbank không bao giờ dám giao tiền cho nhân viên đi gửi ngân hàng khác, trong khi ACB dám làm việc này. Vietinbank không bao giờ có những công ty sân sau, dùng tiền bán trái phiếu mua cổ phần, rồi lại dùng cổ phần để thế chấp” lời vị đại diện Vietinbank.