Văn bằng của Trường Đại học Đông Đô có phải bằng giả không?
Cách đây ít ngày, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Dương Văn Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô và một số đối tượng liên quan để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác. Liên quan đến vụ án này, Đại học Đông Đô tổ chức các lớp văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh tiến độ nhanh (không tổ chức học, chỉ hoàn thiện các bài thi và cấp bằng)...
Về giá trị pháp lý của bằng cấp, Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận định: Việc đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ cho đối tượng được phép đào tạo trình độ đại học phải tuân theo các quy định của Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật liên quan.
Về thẩm quyền cấp phép mở ngành đào tạo, Điều 33 Luật Giáo dục năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018) quy định về mở ngành đào tạo: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết điều kiện mở ngành đào tạo; quy định trình tự, thủ tục mở ngành, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo; quyết định cho phép mở ngành đối với cơ sở giáo dục đại học chưa đủ điều kiện được tự chủ mở ngành đào tạo quy định tại khoản 3 Điều này và đối với các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh”.
Và Điều 3 Thông tư 22/2017/ TT-BGDĐT, quy định về thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo, cũng nêu rõ: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép mở ngành đào tạo khi cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này. Việc cho phép mở ngành đào tạo trong những trường hợp đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc trong những lĩnh vực đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định”.
Về việc cấp văn bằng, chứng chỉ, vào Điều 20 Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT quy định về điều kiện cấp văn bằng, chứng chỉ: “Văn bằng được cấp sau khi người học hoàn thành chương trình giáo dục, chương trình đào tạo theo cấp học, trình độ đào tạo”.
“Như vậy, có thể thấy, khi chưa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép mở ngành đào tạo mà đơn vị đã đào tạo là thuộc dạng đào tạo không phép và tất cả những văn bằng của đơn vị phát hành đều là văn bằng không được thừa nhận và không có tính pháp lý” – Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận định.
Có thể công khai giấy tờ giả, xử lý hành chính
Về vấn đề công khai văn bằng, giấy tờ giả, Luật sư Nguyễn Đào Tơ cho rằng, Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó, cơ quan chức năng có quyền công khai những bằng cấp giả nhằm phục vụ yêu cầu của công tác điều tra, làm rõ sự việc.
“Về trách nhiệm của người mua bằng và dùng bằng giả, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi sử dụng bằng giả mà cá nhân này có thể bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc hình sự” - Luật sư Nguyễn Đào Tơ cho biết.
Về xử lý kỷ luật, theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP và Nghị định 27/2012/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả bị xử lý kỷ luật như sau: Cán bộ bị Tòa án phạt tù (vì hành vi sử dụng bằng giả) mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.
Công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Một mẫu bằng cấp do trường Đại học Đông Đô cấp. |
Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).
Về biện pháp xử lý hành chính, Điều 17 Nghị định 79/2015/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định về mức xử phạt với hành vi sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp nêu rõ: Phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, cá nhân thực hiện hành vi trên có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này.
Có thể xử lý hình sự
Cũng theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 BLHS 2015 sửa đổi về Tội làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Làm từ 2 - 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác, thu lợi bất chính từ 10-50 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 2-5 năm.
Phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
“Việc người sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không cần xem xét đến mục đích của hành vi. Nếu mục đích của các bên hướng tới là nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015” – Luật sư Nguyễn Đào Tơ nhận định.