Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, đối với Trường ĐHĐĐ, khi có dấu hiệu về việc nhà trường cấp phát văn bằng không đúng quy định, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xác minh để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở giáo dục này.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay, theo quy định của Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, hằng năm, các cơ sở giáo dục đại học phải báo cáo Bộ GD-ĐT các nội dung như: tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng.
Đặc biệt, quy chế cũng quy định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học; công bố công khai thông tin quá trình thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, in, quản lý văn bằng, chứng chỉ, thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
Trước đó, ngày 2/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại ĐHĐĐ, đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Dương Văn Hòa (SN 1983), Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang (SN 1962), Phó Trưởng phòng Đào tạo và quản lý sinh viên ĐHĐĐ về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 359 BLHS năm 2015.
Hai bị can Phạm Vân Thùy (SN 1981); Lê Thị Lương (SN 1996) đều là cán bộ ĐHĐĐ cũng bị khởi tố về tội danh trên, nhưng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, xuất phát từ nhu cầu của một bộ phận người dân cần có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thiện hồ sơ cán bộ (nâng lương, nâng ngạch, thăng hạng, thi tuyển vào biên chế…), ĐHĐĐ đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy cho các học viên theo học. Để cạnh tranh với các đơn vị đào tạo khác, Ban lãnh đạo ĐHĐĐ có chủ trương liên kết với các trung tâm đào tạo ngắn hạn bên ngoài để tổ chức tuyển sinh và ăn chia theo thỏa thuận.
Các đối tượng đăng thông tin tuyển sinh trên mạng internet và người có nhu cầu học thì trung tâm môi giới sẽ giới thiệu hình thức đào tạo “cấp tốc” thông qua cán bộ của ĐHĐĐ chèn hồ sơ học viên vào danh sách lớp đã học trước đó.
Để thu hút thí sinh, nhà trường ra thông báo chiêu sinh với những lời giới thiệu hấp dẫn về lợi ích của việc học văn bằng đại học thứ 2 ngành ngôn ngữ Anh như: Được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính... theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Để hợp thức hóa vi phạm trên, ĐHĐĐ tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian 1 đến 2 ngày (học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ) và được cấp bằng tốt nghiệp sau 3 đến 6 tháng từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học. Với hình thức này, các năm 2016, 2017, 2018 ĐHĐĐ đã thông báo trúng tuyển hệ văn bằng 2 chính quy tiếng Anh cho hàng trăm học viên.
Cụ thể, năm 2016 có 47 thí sinh, năm 2017 có 138 thí sinh trúng tuyển; năm 2018, Hiệu trưởng ĐHĐĐ đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh. Cơ quan điều tra xác định số tiền hưởng lợi từ hành vi vi phạm nói trên của Hiệu trưởng ĐHĐĐ và các bị can lên tới hàng tỷ đồng.
Trong khi đó, phía Bộ GD&ĐT khẳng định ĐHĐĐ chưa được cho phép đào tạo bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ GD&ĐT quy định đào tạo để cấp bằng đại học thứ hai.
Trường ĐH Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng đại học từ Bộ GD-ĐT. Nhưng Bộ GD-ĐT chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường; nhà trường phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với công tác quản lý, cấp phát văn bằng.