Giám đốc ĐHQG Hà Nội vừa ký quyết định về việc ban hành Quy chế Đào tạo đại học của ĐHQGHN.
Quy chế gồm 9 chương, 51 điều quy định về đào tạo bậc đại học tại ĐHQGHN, bao gồm: chương trình đào tạo; tổ chức và quản lý đào tạo; nghiên cứu khoa học của sinh viên; quyền lợi và nghĩa vụ của giảng viên, cố vấn học tập, sinh viên; kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập; công nhận tốt nghiệp.
Trong đó, điểm mới của quy chế là cho phép sinh viên có thể được chuyển ngành học. Cụ thể, sinh viên hoàn thành năm học thứ nhất được xem xét chuyển sang học một ngành học khác nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Đáp ứng điều kiện trúng tuyển của ngành muốn chuyển sang học; có số tín chỉ tích lũy tối thiểu bằng khối lượng thiết kế theo kế hoạch học tập chuẩn của chương trình đào tạo; điểm trung bình trung các học phần tính đến thời điểm xét đạt từ 2.5 trở lên.
Ngoài ra, sinh viên có thể được chuyển ngành học nếu không bị cảnh báo học tập hoặc bị xét thi hành kỷ luật; đơn vị đào tạo còn chỉ tiêu đối với ngành sinh viên muốn chuyển đến; được sự đồng ý của chủ nhiệm Khoa/Bộ môn (đơn vị chuyên môn phụ trách ngành đào tạo) và thủ trưởng đơn vị đào tạo (đối với các trường thành viên), Giám đốc ĐHQGHN (đối với các đơn vị đào tạo trực thuộc).
Quy chế mới ban hành không xem xét chuyển ngành học đối với sinh viên đã học từ năm thứ hai. Kết quả học tập của các học phần đã tích lũy của sinh viên chuyển ngành hoặc chuyển hình thức đào tạo sẽ được xem xét để bảo lưu và công nhận tương đương theo các học phần trong ngành mới.
Thêm điểm mới khác của quy chế này là sinh viên bắt buộc học ngoại ngữ theo chương trình đào tạo và lấy điểm tích lũy, điểm này được tính vào điểm trung bình chung trong kết quả học tập toàn khóa. Trước đó, để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ, sinh viên không bắt buộc phải học môn này ở trường mà có thể dùng các chứng chỉ được công nhận để thay thế.
Ngoài ra, điểm mới trong việc công nhận tốt nghiệp: Các học phần có cùng nội dung, thời lượng mà sinh viên chuyển trường trong và ngoài ĐHQGHN, học liên thông (nếu có), học cùng lúc hai chương trình đào tạo, học tại trường đại học nước ngoài đã tích lũy được xem xét công nhận. Các học phần khác, căn cứ chương trình đào tạo và nội dung đào tạo, thủ trưởng đơn vị đào tạo quyết định bảo lưu hoặc tương đương. Điểm và số tín chỉ của các học phần được bảo lưu hoặc tương đương được công nhận và chuyển đổi để lập hồ sơ sinh viên trước khi bắt đầu thực hiện kế hoạch học tập theo chương trình đào tạo mới.
Trong tổ chức dạy học có nhiều điểm mới trong thời gian hoạt động giảng dạy và tổ chức giảng dạy để đảm bảo chất lượng đào tạo như: Thời khóa biểu của các lớp học phần bình thường phải được bố trí đều trong các tuần của học kỳ. Trong trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng đối với một học phần bất kỳ không vượt quá 15 giờ/tuần và 4 giờ/ngày.