Đại học Thái Nguyên thu nhiều thành quả khi thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống tại ĐHTN, báo cáo kết quả đạt được khi thực hiện chuyển đổi số trong công tác đào tạo.
Trụ sở Đại học Thái Nguyên
Trụ sở Đại học Thái Nguyên

Tại trụ sở Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), GS.TS. Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐHTN mới chủ trì Hội nghị sơ kết công tác đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống tại ĐHTN. Tham dự Hội nghị có Giám đốc, các Phó Giám đốc, Lãnh đạo Văn phòng và một số ban chức năng, Lãnh đạo Trung tâm Số, Lãnh đạo Trung tâm Đào tạo từ xa, Lãnh đạo Nhà xuất bản, Lãnh đạo các đơn vị đào tạo, Lãnh đạo phòng Đào tạo, Phòng/Trung tâm Công nghệ thông tin của các đơn vị đào tạo (gọi chung là đơn vị đào tạo). Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị, các ý kiến tham luận, thảo luận tại Hội nghị, Giám đốc ĐHTN kết luận và chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

Tại hội nghị, các đơn vị là các trường đại học thành viên báo cáo kết quả triển khai chuyển đổi số áp dụng vào công tác đào tạo giảng dạy. Đề án “Xây dựng học liệu điện tử phục vụ đào tạo trực tuyến E-Learning tại ĐHTN” giai đoạn 2017-2020 đã đạt được một số thành tựu góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống tại ĐHTN, đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19. Giai đoạn 2021-2025, ĐHTN tiếp tục triển khai các hoạt động kế thừa những kết quả đạt được của Đề án này và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo và bồi dưỡng.

Đổi mới tư duy trong quản lý đào tạo theo hướng giao quyền nhiều hơn cho giảng viên trong giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của người học; nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Tăng cường tính kết nối giữa các đơn vị đào tạo trong toàn ĐHTN nhằm khai thác, chia sẻ nguồn lực chung về con người, tài nguyên số và cơ sở hạ tầng.

Hiện tại ĐHTN đã xây dựng được 29 bài giảng điện tử cho những môn học chung của các đơn vị đào tạo, đây là những môn học thiên về rèn luyện kỹ năng và hoạt động theo quy trình, có sự thay đổi nhanh về nội dung học tập, có yêu cầu cập nhật kịp thời và dễ dàng chuyển đổi sang E-Learning. Ngoài những môn học dùng chung trong toàn ĐHTN thì các đơn vị đào tạo đã và đang triển khai công tác xây dựng bài giảng điện tử.

Về công tác số hóa học liệu và xây dựng bài giảng điện tử E-Learning: Xây dựng kế hoạch và có lộ trình trong việc số hóa học liệu, xây dựng bài giảng điện tử E-Learning giai đoạn 2021-2025, hình thành nguồn tài nguyên giáo dục mở sử dụng trong toàn ĐHTN. Đầu tư nguồn lực tài chính phù hợp nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, trước hết trong quản lý và tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.Tiếp tục triển khai xây dựng bài giảng điện tử E-Learning theo chuẩn của ĐHTN dưới dạng đặt hàng thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Cơ sở/cấp Đại học.

Về đổi mới quản lý đào tạo và chính sách đối với giảng viên: Hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý về đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống, phù hợp với định hướng đổi mới tư duy trong quản lý đào tạo và thích ứng với quá trình chuyển đổi số của ĐHTN. Xây dựng phần mềm quản lý dạy học (Teaching Management System) và phần mềm quản lý thi trực tuyến, phần mềm giám sát thiết bị đầu cuối,... nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến. Xây dựng tiêu chuẩn giảng viên đại học trong bối cảnh chuyển đổi số, trong đó có các tiêu chí về số hóa học liệu, xây dựng bài giảng điện tử, quản lý học liệu,... Có cơ chế, chính sách hỗ trợ giảng viên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giảng viên nâng cao các kỹ năng đáp ứng yêu cầu về số hóa học liệu, giảng dạy và đánh giá.

Cũng tại hội nghị, GS.TS. Phạm Hồng Quang - Giám đốc ĐHTN giao nhiệm vụ triển khai thực hiện cụ thể:

Ban Đào tạo: Hoàn thiện văn bản quản lý đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo truyền thống của ĐHTN; phối hợp với Trung tâm Số xây dựng kế hoạch phát triển học liệu điện tử và số hóa tài liệu của ĐHTN.

Trung tâm Số: Phối hợp với Ban Đào tạo xây dựng Đề án “Xây dựng học liệu điện tử phục vụ đào tạo trực tuyến E-Learning tại ĐHTN giai đoạn 2021-2025”; tiếp tục hỗ trợ các đơn vị đào tạo trong số hóa tài liệu, xây dựng bài giảng điện tử E-Learning nhằm phát huy tối đa tiềm lực hiện có; là đấu mối phối hợp với Nhà xuất bản ĐHTN và các đơn vị đào tạo phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng trong toàn ĐHTN, phát triển các dịch vụ dựa trên tài nguyên số. Mở rộng khả năng kết nối với các đơn vị ngoài đại học, thu hút học sinh sinh viên và người dân sử dụng dịch vụ số.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Ban Đào tạo, Ban Kế hoạch - Tài chính của ĐHTN xây dựng kế hoạch và tổ chức các Hội thảo khoa học về phát triển nguồn tài nguyên số và giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số của ĐHTN. Mục tiêu bồi dưỡng hướng dẫn giảng viên các kĩ năng nền tảng sử dụng khai thác công nghệ trong giảng dạy và NCKH.

Trường Ngoại ngữ: Xây dựng Đề án số hóa học liệu phục vụ dạy và học ngoại ngữ cho sinh viên trong toàn ĐHTN.

Ban KHTC, Ban Đào tạo cùng các đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch ngân sách chi thường xuyên, báo cáo BGĐ phê duyệt.

Các đơn vị đào tạo: Xây dựng Kế hoạch số hóa học liệu và phát triển bài giảng điện tử E-Learning trên cơ sở kế hoạch tổng thể của ĐHTN; từng bước đổi mới quản lý đào tạo và phát triển các chính sách hỗ trợ giảng viên phù hợp với định hướng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ĐHTN; chỉ đạo rà soát, cập nhật toàn bộ đề cương, kịch bản giảng dạy của các học phần trong chương trình đào tạo theo phương án giảng dạy trực tuyến kết hợp với giảng dạy trên lớp học truyền thống; chỉ đạo rà soát, cập nhật ngân hàng câu hỏi thi đảm bảo trung thực, công bằng, minh bạch và khách quan nếu tổ chức đánh giá theo hình thức trực tuyến.

Ưu điểm của lớp học trực tuyến là khả năng giảm thiểu chi phí đi lại, tiết kiệm được thời gian và không gian học tập nhất là trong bối cảnh phòng dịch Covid-19 hiện nay. Đào tạo mọi lúc mọi nơi (vùng sâu vùng xa hiện tại đã có mạng internet). Sinh viên có thể chủ động và linh hoạt trong việc lựa chọn học qua mạng với sự chỉ dẫn của giáo viên hay những khóa học trực tuyến qua mạng với hình thức tương tác. Ngoài ra, sinh viên còn có thể tự động điều chỉnh tốc độ học tập theo khả năng, và còn có thể nâng cao thêm kiến tức thông qua những tài liệu của thư viện trực tuyến.

Các cá nhân hay tổ chức đều có thể thiết kế làm web dạy học qua mạng nhưng cấp độ đào tạo lại khác nhau giúp học viên dễ dàng lựa chọn. Đồng thời nội dung truyền đạt phải tối ưu và nhất quán. Học trực tuyến cho phép học viên dễ dàng tham gia khóa học, và có thể theo dõi kết quả cũng như tiến độ học tập. Với khả năng thiết kế website quản lý học sinh sinh viên, giáo viên có thể biết được những học viên nào tham gia khóa học, khi nào họ hoàn tất quá trình học tập và đưa ra giải pháp thực hiện giúp họ phát triển trong quá trình học.

Tuy nhiên việc thực hiện chuyển đối số trong đào tạo còn tồn tại một số hạn chế sau: Các trường đại học đã có kế hoạch xây dựng các môn học dạy học trực tuyến kết hợp với truyền thống, tuy nhiên mới chỉ ứng dụng một số ít môn học. Nhiều Thầy chưa hiểu đúng bản chất của dạy online, giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, sinh viên chưa có thói quen học; hệ thống dạy học chưa chuyên nghiệp, tương tác giữa giảng viên và người học... Đặc biệt, giảng viên phải tâm huyết và dành nhiều thời gian cho việc xây dựng bài giảng, kiểm tra bài tập và trao đổi với sinh viên. Đây là vấn đề cần thời gian để thầy và trò cùng thích nghi. Thông thường một môn học trực tuyến gồm 7 hợp phần và xây dựng trong thời gian nhiều tháng. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ chỉ sử dụng một vài hợp phần: Cung cấp giáo trình, bài giảng điện tử, tương tác trực tuyến,…

Điều kiện của sinh viên ở các địa phương khác nhau, điều kiện kinh tế gia đình khác nhau nên nếu áp dụng dạy online thì nhiều sinh viên sẽ thiệt thòi. Hiện tại, 70% sinh viên ĐHTN là con em vùng đồng bào dân tộc và miền núi khó khăn, không phải gia đình nào cũng lắp đặt wifi, không phỉa vùng nào mạng internet cũng tốt,…Nhiều gia đình không lắp đặt internet hoặc nếu có thì tốc độ đường truyền thấp không đủ đáp ứng để học online nên nếu tổ chức thì bộ phận này sẽ thiệt thòi.

Hiện nay đa số các môn học được các đơn vị dạy học online (trực tuyển) đều triển khai bằng hình thực dạy trực tiếp sử dụng các Bài giảng điện tử truyền thống.

Đọc thêm