Đái tháo đường ngày càng gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một tỷ lệ cao bệnh nhân COVID-19 nặng bị đái tháo đường. Vì vậy, sự cần thiết phải hành động khẩn cấp để phòng ngừa và điều trị đối với bệnh đái tháo đường là rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tại Việt Nam tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.
Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tại Việt Nam tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.

Theo Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc bệnh đái tháo đường đã tăng gấp 4 lần trong vòng 40 năm qua. Đây là căn bệnh không lây nhiễm lớn duy nhất có nguy cơ tử vong sớm tăng lên chứ không phải giảm xuống. 

Cẩn trọng với thuốc trị đái tháo đường không rõ nguồn gốc

Theo tìm hiểu thời gian vừa qua, có nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do dùng thuốc chữa bệnh đái tháo đường không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Sau khi dùng thuốc, bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm trong khi đường huyết lại tăng lên. Khoảng một tuần nay bệnh nhân thấy cơ thể và mặt phù nặng lên kèm theo cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm. Tình trạng trên có dấu hiệu nặng dần.

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trong thời gian qua, đặc biệt là những tháng cuối năm 2020, Khoa Cấp cứu tiếp nhận liên tiếp nhiều bệnh nhân mắc đái tháo đường tăng huyết áp với nguyên nhân tự ý dùng thuốc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội không chính thức.

Nhiều bệnh nhân khi đưa vào cấp cứu đã trong tình trạng rất nặng nề, nguy hiểm tính mạng. Ngoài hai bệnh nhân điển hình trên, bệnh viện cũng tiếp nhận thêm một số trường hợp khác, trong đó đặc biệt có bệnh nhân nam 64 tuổi, mắc đái tháo đường 3 năm nay, tăng huyết áp 2 năm kèm theo biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 2.

Bệnh nhân này đã tự ý bỏ hoàn toàn thuốc do đơn bác sĩ chỉ định mà thay vào đó dùng sang thuốc dạng thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng. Sau khoảng 20 ngày uống bắt đầu phù toàn thân, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực. Bệnh nhân này khi vào viện đã ở trong tình trạng suy hô hấp tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi, màng bụng. Quá trình cấp cứu hồi sức rất khó khăn, bác sĩ đã phải tiến hành cấp cứu điều trị tích cực mới giúp bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch. 

Khi gõ từ khóa “thuốc trị bệnh đái tháo đường” trên google search, có khoảng 63.800.000 kết quả (0,64 giây). Trong đó nổi lên là các trang quảng cáo về các bài thuốc đông y gia truyền điều trị bệnh đái tháo đường. Và việc thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như “thần dược” trị bệnh.

Thuốc trị đái tháo đường được quảng cáo trên mạng với đủ loại: Từ cây thuốc, vị thuốc đến bài thuốc trị tiểu đường. Từ thuốc đông y gia truyền đến thuốc xách tay, nhập ngoại từ nhiều nguồn khác nhau, thậm chí không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Hầu hết các quảng cáo đánh vào tâm lý mong muốn chữa trị bệnh dứt điểm cũng như nỗi sợ, sự lo lắng của người bệnh. Điều này khiến nhiều người bệnh đã tin và mua dùng, bỏ thuốc bác sĩ, khiến bệnh trở nặng, biến chứng khó lường.

Nguy hiểm hơn, một số thuốc đông y có chứa tân dược như phenformin. Phenformin là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người nên đã bị cấm sử dụng từ những năm 1970. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường. Nhiều người dùng phải thuốc chứa chất cấm đã phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong.

Hơn 3,5 triệu người Việt mắc đái tháo đường và sẽ tăng 

Trong bài trình bày về thực trạng và thách thức trong quản lý đái tháo đường tại Việt Nam và cập nhật khuyến cáo mới tại cuộc họp trực tuyến ra mắt công nghệ theo dõi tại Việt Nam diễn ra ngày 12/3, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết, thông tin so với các nước khu vực, đến năm 2045, số người đái tháo đường ở Việt Nam sẽ tăng 78,5% tương đương gần 6,3 triệu người; Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore tăng ít hơn, từ 37 đến 48%. Trong khi đó, số người bệnh tiểu đường ở Nhật Bản sẽ giảm khoảng 10%.

Tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 mắc đái tháo đường mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm. Tỷ lệ tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm.

Thống kê cho thấy hơn 55% bệnh nhân đái tháo đường tại Việt Nam có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận. Bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống. Vì vậy phải kiểm soát đường trong máu thật tốt, ngăn ngừa biến chứng.

Nếu không được quản lý tốt, đái tháo đường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. 

Do vậy, trong hướng dẫn quốc gia do Bộ Y tế ban hành về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2, việc đo đường huyết liên tục được khuyến nghị cho những người muốn quản lý đường huyết tốt hơn và những người nhập viện cần theo dõi sát đường huyết...

Một số loại thuốc trị đái tháo đường thường dùng

Thuốc kích thích tế bào beta tụy tiết insulin (làm tăng tiết insulin của tụy): Glyburid, glipizid, glibenclami... Tuy nhiên, cần lưu ý, tất cả các thuốc làm tăng tiết insulin (SU) là những thuốc có khả năng gây hạ đường huyết (đây là một trong những biến chứng trong điều trị) và tăng cân. Vì vậy, những bệnh nhân lớn tuổi phải hết sức lưu ý, vì đối tượng này có nguy cơ hạ glucose huyết cao hơn do người bệnh dễ bỏ ăn, ăn kém và có chức năng thận suy giảm.

Thuốc làm giảm sản xuất glucose ở gan: Metformin là thuốc thường được lựa chọn khởi đầu điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, hai bất lợi nổi bật của metformin là tác dụng phụ ở đường tiêu hóa và gây nhiễm acid lactic.

Thuốc làm tăng nhạy cảm với insulin ở tế bào cơ, mỡ và gan: Thường dùng pioglitazone. Nhược điểm là thuốc có thể gây phù, tăng cân (nhất là khi dùng cùng với insulin), tăng nguy cơ gãy xương (ở phụ nữ), thiếu máu.

Thuốc ức chế men α-glucosidase: Thuốc phổ biến là acarbose. Tác dụng của thuốc là làm giảm đường huyết sau ăn. Do làm tăng lượng carbohydrat không được hấp thu ở ruột non đến đại tràng nên thuốc gây đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân lỏng. Cần uống thuốc ngay trước ăn hoặc ngay sau miếng ăn đầu tiên và bữa ăn phải có carbohydrat.

Thuốc có tác dụng lên Incretin: Incretin là hormon ở ruột, rất quan trọng làm tăng tiết insulin, giảm tiết glucagon và nó chỉ tăng tiết sau khi ăn. Như vậy, incretin đóng vai trò như một hormon điều hòa sự bài tiết insulin để đáp ứng với từng bữa ăn. Trong nhóm này có 2 loại thuốc: Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 như liraglutide và thuốc ức chế men dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) như liraglutide, lixisenatide, albiglutide, exenatide. Hai nhóm thuốc này ra đời trong vài năm trở lại đây, được ADA (Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ) đưa vào trong khuyến cáo điều trị đái tháo đường.

Thực phẩm tốt cho người mắc đái tháo đường type 2

Dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng trong phòng và điều trị bệnh đái tháo đường type 2. Một số thực phẩm sau có khả năng kiểm soát đường huyết tốt cho những người bệnh.

Rau lá xanh: Các loại rau như rau bina, bắp cải và bông cải xanh là nguồn cung cấp kali tuyệt vời, một khoáng chất thiết yếu có thể kích thích sản xuất insulin và tăng dung nạp glucose.

Đậu: Đây là thực phẩm ít calo, nhưng lại giàu protein và chất xơ, giúp bạn no lâu mà không tăng cân.

Cá béo: Cá có dầu là nguồn cung cấp tuyệt vời của chất béo có lợi. Đây là một thành phần thiết yếu trong chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân tiểu đường. Cá hồi, cá trích và cá ngừ có nhiều axit béo omega-3, giúp ổn định lượng đường trong máu.

Quả óc chó: Giống như cá, quả óc chó rất giàu omega-3, có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thấp hơn. Ngoài ra, chúng còn chứa một lượng lớn khoáng chất quý giá và vitamin tan trong chất béo.

Sữa chua: Thực phẩm lên men như sữa chua hoặc kefir là nguồn vi khuẩn có lợi tự nhiên hỗ trợ tiêu hóa và thúc đẩy sức khỏe đường ruột. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, những vi khuẩn này làm giảm viêm và stress oxy hóa...

Đọc thêm