Đại tướng Đoàn Khuê - Người con ưu tú của quê hương Quảng Trị

(PLVN) - Là một trong những người con ưu tú của quê hương Quảng Trị, Đại tướng Đoàn Khuê (1923 – 1999), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng, của quân đội ta. Suốt 60 năm hoạt động cách mạng, người luôn đem hết tinh thần, nghị lực và trí tuệ cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại tướng Đoàn Khuê với người dân Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu.
Đại tướng Đoàn Khuê với người dân Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu.

Dành cả cuộc đời cho cách mạng

Đại tướng Đoàn Khuê, bí danh là Võ Tiến Trình, sinh ngày 29/10/1923 ở làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân (nay là xã Triệu Lăng), huyện Triệu Phong (Quảng Trị).

Sinh trưởng trong một gia đình yêu nước, giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, năm 1939, lúc mới 16 tuổi, đồng chí Đoàn Khuê đã tham gia phong trào Thanh niên phản đế phủ Triệu Phong. Năm 17 tuổi, đồng chí bị địch bắt và kết án tù, giam tại nhà lao Quảng Trị, sau đó đưa đi nhà đày Buôn Ma Thuột.

Gần 5 năm trong nhà tù, mặc dù bị địch tra tấn dã man, nhưng đồng chí luôn tỏ rõ chí khí kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng kiên trung, tích cực hoạt động trong Ủy ban vận động cách mạng - một tổ chức bí mật của ta ở trong tù, nhằm đấu tranh chống chế độ nhà tù hà khắc.

Năm 1945, khi vừa ra khỏi nhà tù thực dân Pháp, đồng chí về hoạt động gây cơ sở cách mạng ở Quảng Bình, sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Bình.

Kiên cường, bất khuất trong lao tù đế quốc, nhạy bén tranh thủ thời cơ khởi nghĩa, đồng chí Đoàn Khuê đã góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân ở tỉnh Quảng Bình.

Người chỉ huy mưu lược trên chiến trường

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, Nhân dân Nam Bộ và Nam Trung Bộ vùng lên kháng chiến, đồng chí Đoàn Khuê được giao nhiệm vụ chiến đấu và chỉ huy chiến trường Liên khu 5; sau đó, lần lượt được cử giữ các chức vụ Chính trị viên, Bí thư Hiệu ủy Trường Lục quân Quảng Ngãi; Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy các Trung đoàn 69, 73, 78, 126, 84; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 108, rồi Phó Chính ủy Sư đoàn 305 - sư đoàn chủ lực đầu tiên ở Nam Trung Bộ.

Với tư duy chính trị, quân sự sắc sảo và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã cùng cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân ta trên chiến trường Tây Nguyên, tiêu biểu là chiến thắng An Khê (1953) Măng Đen và Chư Đrếch (1954)...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khu 5 là địa bàn chiến lược quan trọng của chiến trường miền Nam Việt Nam, nơi quân viễn chinh Mỹ đổ vào đầu tiên. Do có tài thao lược và giàu kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu, hoạt động trên địa bàn Khu 5, từ đầu năm 1963 đến tháng 5 năm 1975, đồng chí được phân công giữ chức Phó Chính ủy - Phó Bí thư Quân khu ủy Khu 5.

Bằng nhãn quan chính trị sắc sảo và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch trên địa bàn Quân khu 5, giành được thắng lợi quan trọng.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đồng chí Đoàn Khuê đã cùng tập thể Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xử trí kịp thời, hiệu quả nhiều tình huống phức tạp, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi để quân và dân ta tiến lên giành toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đối với nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, năm 1979, Quân khu 5 đảm nhiệm một hướng chiến lược quan trọng. Đồng chí trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch, khẩn trương chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị chiến trường, chỉ huy đánh tạo thế chiến dịch đến kết thúc chiến dịch đều giành thắng lợi, đạt yêu cầu của Bộ Quốc phòng đề ra.

Năm 1983, đồng chí Đoàn Khuê được phân công giữ chức Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn Campuchia…

Từ tháng 12/1986 đến tháng 1/1998, Đại tướng được Đảng, Nhà nước cử giữ các trọng trách quan trọng: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Tận trung với Đảng, tận hiếu với dân

Sau ngày đất nước thống nhất, là một trong những cán bộ lãnh đạo cao nhất của Quân đội, Đại tướng Đoàn Khuê vẫn thường xuyên đến thăm các đơn vị từ các tỉnh địa đầu phía Bắc, cho đến các tỉnh tận cùng phía Nam và từng có mặt ở hầu hết các đảo quan trọng của nước ta trên Biển Đông, cũng như các vùng biên ải xa xôi của Tổ quốc để thấu hiểu và kịp thời động viên, chỉ đạo giải quyết nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ.

Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đại tướng Đoàn Khuê đã có những đóng góp rất xứng đáng, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất chủ trương đúng đắn và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; chăm lo xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, thực sự là nòng cốt cùng toàn dân giữ vững an ninh chính trị, tạo môi trường hoà bình, ổn định để thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng đất nước.

Đại tướng Đoàn Khuê thăm bộ đội đảo Cồn Cỏ, ngày 26/1/1995 (ảnh: Tư liệu).

Đại tướng Đoàn Khuê thăm bộ đội đảo Cồn Cỏ, ngày 26/1/1995 (ảnh: Tư liệu).

Đại tướng đã hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều chiến trường, trong đó có hơn 40 năm gắn bó máu thịt với sự nghiệp giải phóng miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đánh giá công lao của đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã khẳng định: “Trải qua nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, làm gì, đồng chí cũng luôn luôn đem hết sức mình cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng, của Quân đội lên trên lợi ích cá nhân, luôn luôn trau dồi kiến thức, sâu sát cơ sở, quan tâm tổng kết thực tiễn, giữ vững tính đảng, tính nguyên tắc, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Có thể khẳng định rằng, giá trị tinh thần được viết nên từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng Đoàn Khuê là tinh thần yêu nước, sự kiên trung và nhiệt huyết cống hiến, hy sinh đối với cách mạng; luôn lấy thực tiễn làm chân lý cho hành động, luôn lấy tư tưởng, phong cách và đạo đức Bác Hồ để tự rèn luyện bản thân. Đó cũng là tấm gương chuẩn mực về đạo đức, trách nhiệm đối với đất nước, quê hương và gia đình.

Trong 2 ngày 26, 27/10, tại Quảng Trị diễn ra nhiều hoạt động Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Đoàn Khuê (29/10/1923 – 29/10/2023) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà chính trị, quân sự xuất sắc.

Đọc thêm