Đắk Lắk: Quan điểm mâu thuẫn khi xử lý một vụ ẩu đả

(PLVN) - Theo hồ sơ vụ án, tháng 3/2018, do mâu thuẫn từ trước với vợ chồng ông Nguyễn Công An và vợ là bà Phạm Thị Danh (huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) nên sau khi uống rượu bia ở đám cưới, ông Nguyễn Văn Khương đã cầm dao sang nhà vợ chồng ông An “gây sự”.   

Cho rằng ông Khương là bậc con cháu nhưng “ăn nói hỗn hào” nên ông An đi từ bờ ao vào, nói “Mày có giết được không?” rồi hai bên lao vào ẩu đả. Ông An bị ông Khương đánh thương tích ở tay.

Nghe ồn ào, bà Danh chạy ra, thấy chồng bị thương, ông Khương đang cầm dao đe dọa, uy hiếp. Bức xúc về hành vi đó của ông Khương, cộng với sự dồn nén nhiều năm qua đã bị ông Khương chửi bới, ném pháo, chặt cây, đòi giết… nên bà Danh lấy cây cào sắt, đưa cào lên yêu cầu ông Khương bỏ dao ra.

Ông Khương không chịu buông dao, bà Danh bổ cào xuống đầu ông Khương. Kết quả giám định, ông Khương bị mất 42% sức khỏe tạm thời, ông An bị thương tật 2%. Bà Danh bị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Quá trình điều tra, ông Khương khai báo nội dung không đồng nhất. Lúc đầu ông Khương khai sau khi uống rượu bia xong, đi xuống vườn hồ tiêu gia đình thì gặp ông An đứng ở cổng nhà. Thấy ông Khương đi qua, ông An nói: “Thằng nào bước vào đất của tao thì tao chém” nên hai bên cự cãi.

Lúc này ông Khương thấy anh Nguyễn Đức Thông cầm một cây cào đi ra cùng bà Danh nên bỏ đi. Tuy nhiên, vừa bước đi thì ông bị ai đó dùng cào đánh vào chân và đầu. Sau đó ông Khương cho rằng thấy ông Thông đánh.

Bà Danh chỉ nơi được cho là xảy ra vụ án.
 Bà Danh chỉ nơi được cho là xảy ra vụ án.     

Lời khai con gái bị hại hay người thân bị hại cũng có nhiều mâu thuẫn. Cháu ông Khương lúc đầu khai nhìn thấy bà Danh cầm cào bổ vào đầu ông Khương; nhưng sau đó lại khai rằng khi nghe con gái ông Khương hô hoán, người này chạy vào thì thấy ông Khương đã bị thương, mà không biết ai là người gây thương tích.

Kết luận điều tra cũng như cáo trạng lần 1 và lần 2 đều nhận định nguyên nhân gây ra vụ án là do mâu thuẫn từ tranh chấp hợp đồng dân sự (mua bán đất) suốt thời gian dài từ 2014 giữa hai gia đình. Mâu thuẫn ngày càng gay gắt dẫn đến nhiều lần xô xát. Vào ngày xảy ra vụ án, xuất phát từ hành vi có lỗi trước của bị hại nên bị cáo Danh không làm chủ được bản thân, đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho ông Khương. 

Do phát hiện một số tình tiết chưa được làm rõ nên TAND huyện Cư Kuin đã trả hồ sơ. Thế nhưng VKS cùng cấp vẫn giữ nguyên quan điểm.

Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 11/2018, TAND huyện cho rằng CQĐT và VKS chưa làm rõ được nhiều tình tiết, không chứng minh được hành vi của bị cáo Danh nên tuyên bị cáo không phạm tội.

Bản án bị VKS cùng cấp kháng nghị vì cho rằng việc tuyên án như trên là không có căn cứ pháp luật; quá trình điều tra đã chứng minh rõ hành vi của bà Danh. 

Phía bị hại Khương cũng làm đơn kháng cáo vì cho rằng không phải bị đánh dưới giàn hoa thiên lý trong nhà ông An, mà bị đánh ngoài cổng. Trong bản kháng cáo, ông Khương thừa nhận to tiếng, “hơi hỗn” với ông An.

Dù ở bản án, ông Khương khai đã thấy bà Danh cầm cào đánh mình, nhưng khi kháng cáo, ông Khương lại cho rằng, tòa tuyên bà Danh vô tội là có căn cứ và đề nghị phải làm sáng tỏ người đánh mình.

Xử phúc thẩm hồi tháng 2/2019, TAND tỉnh Đắk Lắk không chấp nhận kháng nghị, chấp nhận kháng cáo, tuyên hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ, chưa làm rõ địa điểm xảy ra vụ án, vì sao con dao ông Khương cầm lại không thu giữ được?

Trong cáo trạng mới đây của VKS huyện, nội dung mô tả từ đầu tới cuối gần như giống với kết luận điều tra và cáo trạng cũ. Tuy nhiên, phía VKS đã chuyển đổi từ tội Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thành tội Cố ý gây thương tích.

Một số luật sư cho rằng, dù trên thực tế bà Danh có hành vi vi phạm nhưng nếu VKS không có những chứng cứ buộc tội chắc chắn thì việc tòa án tuyên bà Danh không phạm tội là có cơ sở. Chưa kể, cũng có thể xảy ra trường hợp bỏ lọt tội phạm như phía nạn nhân khai báo do sự điều tra chưa chặt của cơ quan chức năng. 

Đọc thêm