Đắk Nông công bố tình trạng thiên tai khẩn cấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND tỉnh Đắk Nông vừa ra quyết định công bố tình huống khẩn cấp nhằm ứng phó, khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi bị mưa lũ gây ra trong đợt mưa lũ vừa qua.
Vết nứt trên QL14 đoạn qua TP Gia Nghĩa.
Vết nứt trên QL14 đoạn qua TP Gia Nghĩa.

Theo UBND tỉnh, từ cuối tháng 7 đến 6/8, địa bàn xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài, tổng lượng mưa tại trạm Đăk Ha gần 400mm. Ngày 1/8, thân đập và xung quanh hồ chứa nước Đăk N'Ting xuất hiện nhiều vết nứt. Đến nay, vết nứt khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500m, sâu hơn 150m và chưa dừng lại.

Phần đồi bên phải đập bị sụt lún với diện tích khoảng 10ha là đất hoa màu của người dân. Ước tính có gần 1 triệu m3 đất nguy cơ bị sạt trượt. Thân đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn 10 - 20cm. Đường trên thân đập nứt gãy, phần bêtông trồi lên, dịch chuyển cầu tràn khoảng 63cm, gây mất ổn định công trình, an toàn đập và vùng hạ du.

Với QL14 (đoạn qua TP Gia Nghĩa), đến nay vết nứt kéo dài khoảng 40m, sụt lún 4,5m, gây mất ổn định kết cấu công trình, ảnh hưởng an toàn tính mạng và tài sản 16 hộ dân ở gần.

Mưa lũ cũng gây sạt trượt dài 540m tại Bon Bu Krăc và Bon Bu Prăng (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), cách chân đập thủy lợi Đăk Ké khoảng 300m, đe dọa cuộc sống hơn 200 người dân ở khu vực.

Về phương án ứng phó khẩn cấp và khắc phục, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan tính toán kịch bản vỡ đập, đường đi dòng nước ảnh hưởng vùng hạ du, khảo sát đưa ra phương án thoát nước khối trượt...

UBND tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ hoặc đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí khoảng 50 tỷ đồng để khắc phục sự cố khẩn cấp hồ chứa nước Đăk N’Ting. Kinh phí này còn giúp địa phương khắc phục hậu quả thiên tai nhất là các công trình giao thông, thủy lợi bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ vừa qua.

Như PLVN đã có bài phản ánh, theo Đoàn công tác Bộ NN&PTNT, nguyên nhân xuất hiện các vết nứt và các khối dịch chuyển, chủ yếu vẫn là do mưa nhiều và mưa kéo dài. Lượng mưa lớn nhất của tháng 7 hàng năm chỉ khoảng 400mm, nhưng năm nay hơn 700mm. Mưa nhiều làm tăng mực nước ngầm và giảm độ kết dính của đất, đặc biệt là giai đoạn cuối mùa khô, đầu mùa mưa.

Liên quan sự cố chứa nước Đăk N’Ting, Đoàn công tác khuyến nghị Đắk Nông cần có giải pháp xử lý tổng thể, hạ mực nước ngầm xuống; hạ mái dốc phần mái đào; xây các rãnh thoát nước để tránh nước mưa thấm vào khối trượt, đặc biệt dùng các biện pháp để gia tăng sự ổn định của khối trượt.

Theo Nghị định 66/2021/NĐ-CP, tình huống khẩn cấp về thiên tai (gồm 5 cấp độ) là sự cố ảnh hưởng công trình, dự án lớn, tính mạng... cần sớm huy động nguồn lực để ngăn chặn, khắc phục. Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền công bố thiên tai ở địa bàn. Bộ trưởng ban bố tình huống khẩn cấp với công trình thuộc phạm vi quản lý. Khi thiên tai nghiêm trọng, vượt quá khả năng ứng phó của Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng sẽ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp.

Trước Đắk Nông, một số tỉnh, thành, bộ, ngành đã công bố tình huống khẩn cấp khi bị xảy ra thiên tai, nhiều công trình, dự án bị hư hỏng.