Bệnh nhân nam V.V.D., 58 tuổi, trú tại thôn Sơn Thượng, là cán bộ bảo vệ rừng, đang làm việc tại trạm 1, lâm trường Đắk Wil (Cư Jút)
Ngày 31/7/2023 bệnh nhân đến Trung tâm Y tế huyện Cư Jút để khám mắt, tại đây bệnh nhân được chẩn đoán là: Đục thủy tinh thể mắt trái và có chỉ định mổ nên sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên để khám và mổ thay thủy tinh thể. Ngày 2/8/2023 tình hình sức khỏe ổn định nên bệnh nhân được làm thủ tục xuất viện.
Chiều ngày 2/08/2023, bệnh nhân thấy ở vết thương do côn trùng cắn ở đùi bên trái đau nhức nhiều, sưng, tấy đỏ, được người nhà đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk để khám.
Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán là: Áp xe da, nhọt, nhọt cụm do côn trùng cắn không rõ loại/Đái tháo đường typ II. Sau đó bệnh nhân được chỉ định mổ rạch nạo giải thoát mủ trong ổ áp xe, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm từ ổ áp xe làm xét nghiệm định danh vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
Ngày 5/8/2023 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm Dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore.
Hiện tại hậu phẫu ngày thứ 4 của bệnh, tình trạng bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt (qua điện thoại), sức khỏe ổn định, sau đó bệnh nhân xin chuyển về Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục khám và điều trị.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với TTYT huyện Đắk Mil tổ chức giám sát tại hộ gia đình bệnh nhân và khu vực nơi bệnh nhân sinh sống.
Qua đó ghi nhận, nguồn nước sinh hoạt của gia đình bệnh nhân là nước giếng khoan cách nhà khoảng 20m. Do là nhân viên bảo vệ rừng nên thường xuyên ở trong rừng ít khi có mặt ở nhà, mỗi lần đi làm đều có bảo hộ (ủng, găng tay, khẩu trang).
Cụm dân cư khu vực bệnh nhân sinh sống (bán kính 500m) có khoảng 5 hộ gia đình với khoảng 20 nhân khẩu, các gia đình ở thưa thớt; các gia đình sử dụng nguồn nước giếng khoan để ăn uống, sinh hoạt.
Tại thời điểm giám sát tại nhà bệnh nhân cho thấy khu vực quanh nhà không có ao tù, nước động, không chăn nuôi gia súc môi trường sạch sẽ không có yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của bệnh.
Trong trạm bảo vệ rừng số 1 Đắk Wil có 4 cán bộ làm cùng bệnh nhân, hiện tại tình hình sức khỏe ổn định không ai có biểu hiện bệnh.
Trung tâm đã triển khai điều tra, xác minh thông tin tại nhà bệnh nhân; Hướng dẫn người nhà cách phòng bệnh và khử khuẩn vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, chuồng trại và vệ sinh cá nhân; Khử khuẩn chuồng trại bằng vôi bột, Cloramin B do trạm Y tế xã Đắk Gằn cấp.
Đây là trường hợp mắc bệnh Whitmore thứ 2 ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Hiện tại chưa thể xác định được nguồn truyền bệnh cho bệnh nhân vì hiện tại không có đơn vị nào thực hiện xét nghiệm nguồn nước hay bùn, đất, phân ở khu vực bệnh nhân thường xuyên sinh sống để tìm vi khuẩn gây bệnh Withmore; đồng thời đây là bệnh có thời kỳ ủ bệnh kéo dài và khó xác định nên không loại trừ khả năng bệnh nhân có thể bị nhiễm bệnh ở nơi khác.