Đắk Nông khắc phục tình trạng học sinh bỏ học đi lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xảy ra tình trạng nhiều học sinh bỏ học để xuống các thành phố lớn làm công nhân. Điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và cản trở việc tiếp cận giáo dục của trẻ em. Đặc biệt gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
Các em học sinh vùng sâu, vùng xa tại Đắk Nông
Các em học sinh vùng sâu, vùng xa tại Đắk Nông

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 629/212.486 học sinh bỏ học, chiếm tỉ lệ 0,44%. Trong đó, có 165 học sinh tiểu học; 387 học sinh trung học cơ sở; 77 học sinh trung học phổ thông. Trong số này có 438 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,87%. Tỉ lệ học sinh bỏ học nhiều nhất là ở huyện Đắk Glong với 168 học sinh.

Qua đánh giá, tình trạng học sinh bỏ học xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, bản thân các em học sinh, nhất là ở bậc trung học cơ sở còn thiếu động cơ, ý thức học tập. Điều này dẫn tới kết quả học yếu, kém, nên mặc cảm, tự ti với bạn, ngại đi học, chán học.

Cụ thể, trong số 629 học sinh bỏ học, có đến 10,18% do học lực yếu, kém; 32,9% do kinh tế gia đình khó khăn; 6,2% do dịch bệnh; 5,09% do nhà xa trường, đi lại khó khăn; 42,13% do các nguyên nhân khác…

Tỷ lệ học sinh cấp THCS bỏ học nhiều nhất chiếm 0,84%. Ngoài ra, ở lứa tuổi này, tâm sinh lý cũng có nhiều thay đổi, nhận thức chưa đầy đủ, gia đình không còn quan tâm sát sao như học sinh ở cấp tiểu học.

Đặc biệt, hiện nay, thành phần các em học sinh bỏ học chủ yếu ở các gia đình có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Về phía phụ huynh cũng đồng tình muốn con nghỉ học lao động phụ giúp gia đình.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã gửi công văn tới Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh “Về việc thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học tham gia lao động trái quy định”.

Cụ thể, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tuyên truyền, phổ biến đến học sinh tác hại của việc bỏ học tham gia lao động trái pháp luật, theo dõi nắm bắt tinh thần các em học tập sa sút có nguy cơ bỏ học để kịp thời hỗ trợ; Tăng cường các hoạt động giáo dục, hướng nghiệp, tư vấn thị trường lao động, đánh giá năng lực bản thân lựa chọn nghề phù hợp.

Với Sở LĐTB&XH, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp liên ngành hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình, chính sách giảm nghèo, tăng cường thanh tra, giám sát chấp hành các quy định pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bỏ học lao động trái quy định.

UBND tỉnh đề nghị các huyện, thành phố, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số về các chính sách, pháp luật liên quan đến việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em và lao động trẻ em; Cảnh giác với những đối tượng môi giới lừa đảo, dụ dỗ học sinh bỏ học tham gia lao động trái quy định pháp luật.

UBND tỉnh cũng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương chủ động nắm bắt tình hình, có giải pháp ngăn chặn; Xử lý nghiêm các đối tượng vận động, lôi kéo học sinh bỏ học để tham gia lao động trái quy định pháp luật./.

Đọc thêm