Đảm bảo 100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý

(PLVN) - Thời gian qua, các Trung tâm TGPL Nhà nước đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khuyết tật.

Xác định người khuyết tật có khó khăn về tài chính là đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí theo quy định của Luật TGPL năm 2017, thời gian qua, các Trung tâm TGPL Nhà nước đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn pháp luật và tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, góp phần giúp người khuyết tật nâng cao nhận thức về pháp luật, xóa bỏ rào cản về tinh thần, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Hiện nay, cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số từ 5 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, đa số người khuyết tật thuộc hộ nghèo, chưa bao giờ đi học hoặc không có bằng cấp. Đây là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội, do đó, cần có những giải pháp, quy định cụ thể về đối tượng để trợ giúp, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Những năm gần đây, các Trung tâm TGPL Nhà nước trong toàn quốc thực hiện TGPL được khoảng 27.106 lượt người khuyết tật, tập trung thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho người khuyết tật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Công tác TGPL cho người khuyết tật ngày càng được quan tâm với nhiều hoạt động đặc thù như thông tin, phổ biến về các chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật trên các phương tiện truyền thông; tổ chức nói chuyện pháp luật cho người khuyết tật; phát miễn phí tờ gấp pháp luật giới thiệu về chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật và người nhiễm chất độc màu da cam, trong đó có các tình huống pháp luật gần gũi và có liên quan thiết thân đối với người khuyết tật...

Bên cạnh đó, các địa phương cũng quan tâm hơn đến hoạt động TGPL cho người khuyết tật, tăng cường truyền thông để người dân và cơ quan, tổ chức hiểu được quyền của người khuyết tật trong lĩnh vực TGPL. Cụ thể như, tổ chức tuyên truyền pháp luật và thực hiện TGPL lưu động cho người khuyết tật tại các xã (Bình Dương); tổ chức hội nghị truyền thông pháp luật về TGPL cho người khuyết tật tham gia, triển khai thực hiện nhiều chính sách TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên địa bàn tỉnh (Quảng Bình); tư vấn, hướng dẫn, giải đáp pháp luật đối với một số vụ việc cụ thể cho người khuyết tật về các chính sách ưu đãi đối với người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, việc làm (Bắc Ninh)…

Có thể thấy, hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đã thể chế hoá được các chủ trương, chính sách của Đảng đối với người khuyết tật và có sự tương đồng với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác TGPL cho người khuyết tật còn gặp phải nhiều khó khăn, hạn chế, như nguồn lực về kinh phí và người thực hiện TGPL ở 1 số nơi còn hạn chế; do tâm lý tự ti, mặc cảm nên người khuyết tật thường có tâm lý giấu kín sự việc, e ngại, không tiếp xúc chia sẻ với người khác hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nhiều người khuyết tật có khó khăn về tài chính không biết về quyền được TGPL miễn phí nên không chia sẻ, không yêu cầu TGPL…

Do vậy, để công tác TGPL đạt được hiệu quả hơn, cần tăng cường truyền thông về quyền TGPL của người khuyết tật có khó khăn về tài chính trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức truyền thông khác; tăng cường năng lực cho đội ngũ thực hiện TGPL thông qua việc xây dựng chương trình, tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về trợ giúp xã hội, kỹ năng nghiệp vụ thực hiện TGPL; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính; khảo sát, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giai đoạn 2012-2020… 

Đọc thêm