Đảm bảo an toàn công trình hồ chứa và hạ du ở miền Trung

(PLVN) - Tại cuộc họp ứng phó với bão số 6 (LINFA) diễn ra sáng 11/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, thực hiện tốt các công tác vận hành liên hồ chứa theo quy định đảm bảo an toàn công trình và hạ du.
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Vinh Hiền di dời dân vùng thấp trũng lên vùng cao. Ảnh: TTXVN
Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Vinh Hiền di dời dân vùng thấp trũng lên vùng cao. Ảnh: TTXVN

Trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, kể cả khi bão số 6 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, đặc biêt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, "các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung chỉ đạo việc tăng cường lực lượng, phương tiện tại các khu vực nguy hiểm; tuyên truyền, nhắc nhở người dân không đến gần hoặc đi qua, thậm chí phải di dời khỏi những khu vực trên; thực hiện tốt các công tác vận hành liên hồ chứa theo quy định đảm bảo an toàn công trình và hạ du".

Cùng với đó, trên hệ thống giao thông đường bộ, đường không, đường thuỷ..., các đơn vị chức năng cần quản lý, kiểm soát tốt công tác đảm bảo an toàn về người và phương tiện, thường xuyên chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan quản lý cảng sông, cảng biển, chủ quản lý các phương tiện tàu, chủ tàu... đảm bảo an toàn cho tàu và ngư dân, đặc biệt đối với các tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu nhỏ tại các cảng như Quy Nhơn, cửa sông Ranh..., kiên quyết không để người dân ở tình trạng "màn trời, chiếu đất" trong bão lũ.

Theo báo cáo của  Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6  giờ ngày 11/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.882 tàu/231.908 lao động (trong  đó hoạt động khu vực giữa biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa 436 tàu/3.304 lao động; hoạt động khu vực khác là 4.703 tàu/35.485 lao động; neo đậu tại các bến 39.743 tàu/193.119 lao động.

Các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã cấm biển từ ngày 6/10;  Quảng Ngãi cấm biển từ 18 giờ ngày 10/10. Các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa chưa có kế hoạch cấm biển.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng: Mưa lũ đã làm 206 xã/phường bị ngập, độ ngập sâu từ 0,3m đến 3m (Hà Tĩnh 1 xã; Quảng Nam 16 xã; Quảng Bình 38 xã; Quảng Trị 81 xã; Thừa Thiên - Huế 54 xã/phường; Đà Nẵng 16 xã/phường). Tổng số hộ bị ngập là 109.034 hộ (Quảng Nam có 162 hộ/613 khẩu, Quảng Bình có 14.752 hộ/73.760 khẩu, Quảng Trị có 36.094 hộ/113.145 khẩu; Thừa Thiên - Huế có 53 hộ/213.540 khẩu, Đà Nẵng có 4.640 hộ/18.560 khẩu).

Cùng với đó, các tỉnh thành phố đã tổ chức sơ tán 10.761 hộ/31.295 khẩu (chủ yếu tại chỗ) trong đó tỉnh Quảng Nam 162 hộ/613 khẩu; Quảng Bình 118 hộ/356 khẩu; Quảng Trị 6.754 hộ/19.381 khẩu; Thừa Thiên-Huế 3.727 hộ/10.495 khẩu.

Theo Vụ Quản lý Đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai), hiện có 64 vị trí đê biển xung yếu với tổng chiều dài là 148,4km khu vực từ Nghệ An - Bình Thuận cần sẵn sàng phương án bảo vệ khi bão đổ bộ; có 39 công trình đang thi công dở dang. Trong đó, đê Tả Nghèn, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh bị sạt lở 80m. Hiện địa phương đã tổ chức kiểm tra và theo dõi diễn biến sự cố.

Đọc thêm