Đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine Covid-19 cao nhất

(PLVN) - Đó là nhấn mạnh của GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 toàn quốc diễn ra cuối tuần qua. Hội nghị kết nối đến tận các tuyến huyện với tổng số hơn 700 điểm cầu trên cả nước. 
Kho lạnh bảo quản vắc xin AstraZeneca tại TP. HCM.
Kho lạnh bảo quản vắc xin AstraZeneca tại TP. HCM.

Không lung lay chiến dịch tiêm vaccine

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vaccine ngừa Covid-19 là vaccine phát triển nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Nhưng cũng vì thế nên thời gian chưa đủ dài để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả. Vì vậy, phản ứng sau tiêm vaccineCovid-19 là có thể, vì không vaccine nào đảm bảo 100 % an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho đến phản ứng bất lợi.

“Chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm lung lay chiến dịch tiêm vaccine. Trên toàn cầu cũng có người tham gia phong trào anti vaccine nhưng lợi ích vaccine ngừa Covid-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh. Theo Bộ trưởng, dù độ bảo vệ của vaccine AstraZeneca không đạt 100% nhưng 100% người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn, không dẫn đến tử vong. Đó là điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân tiêm chủng.

Cũng theo ông Long, do số lượng vaccine lần này rất hạn chế và Bộ Y tế đang tích cực phối hợp và đề nghị chương trình COVAX Facility chuyển sớm vaccine về Việt Nam. Bởi vậy, lần này Bộ Y tế không thể phân bổ vaccine cho 63 địa phương mà dành cho 13 tỉnh, thành phố có dịch và ưu tiên cho Hải Dương- điểm nóng về phòng chống dịch. Hôm nay (8/3) sẽ tiêm mũi đầu tiên tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM; tập trung ưu tiên cho đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ và đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Y tế, khác với các nước và khác với các quy trình tiêm chủng trước đây, Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, dù mất nhiều thời gian hơn. Bộ Y tế yêu cầu từng cơ sở y tế, cơ sở tiêm chủng phải tải phần mềm do Bộ thiết kế để phục vụ tiêm chủng tốt nhất. Với mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khỏe. 

Việc này vừa giúp ngành Y tế tăng cường chủ động giám sát từ cơ sở y tế vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.“Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sau này sẽ liên thông với quốc tế, sau này là hộ chiếu vaccine, quản lý toàn bộ bằng QR code”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Đảm bảo an toàn tối đa là ưu tiên cao nhất

Hội nghị được nghe đại diện các lãnh đạo các Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng… trình bày tổng quan, cung cấp kiến thức nội dung liên quan việc triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19.

Giới thiệu vaccine AstraZeneca sẽ sử dụng để tiêm, PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sau khi tiêm chủng có thể xảy ra các phản ứng. Cụ thể, phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh… Ngoài ra, có từ 1 – dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

Bộ Y tế yêu cầu cán bộ y tế các tuyến, khuyến cáo điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản… đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng phải có hộp chống sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ phác đồ phòng chống sốc cho người lớn. Các cơ sở tiêm chủng tổ chức dưới 100 đối tượng tiêm chủng/điểm/buổi trong giai đoạn đầu để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải trao đổi hỏi rõ tiền sử bệnh tật xem người tiêm có mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính phải điều trị, điều trị hóa trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ…

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, y bác sĩ và cán bộ tại 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong đợt đầu. Do đó, ông đề nghị các bệnh viện thành lập ban chỉ đạo về việc thực hiện tiêm chủng, lên danh sách cụ thể, phân công, phân nhiệm cho các thành viên. “Tuyệt đối không đưa người nhà, người thân, người quen vào danh sách này, chỉ có các thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trực tiếp” – PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhắc nhở.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế một lần nữa đề nghị các địa phương, nhất là các cán bộ tiêm chủng thực hiện rất nghiêm theo hướng dẫn chuyên môn, vấn đề chống sốc, phòng vệ… Các nước cũng để ý vấn đề này nhưng Việt Nam phải đặt lên hàng đầu, coi an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên cao nhất cho giai đoạn hiện nay. Vì vậy, thái độ xử lý phải rất nhanh và quyết liệt. Người được tiêm vaccine phải thực hiện nghiêm việc theo dõi 30 phút tại điểm tiêm, theo dõi tại nhà tiếp tục 24h…

Đọc thêm