Chủ trương cơ cấu lại các DN Quân đội ngoài việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế còn chú trọng đến việc đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động.
Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNQuân đội là yêu cầu khách quan, chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở nắm vững phương hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của trên, các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng này. Qua đó, tạo động lực để tiếp tục thực hiện tốt kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, nâng cao hơn nữa vị thế, hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của DN Nhà nước, từ năm 2001 đến nay, Bộ Quốc phòng đã thực hiện 5 đề án sắp xếp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2001 đến nay, bằng nhiều hình thức sắp xếp, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại các DN Quân đội. Từ hơn 300 DN từ trước năm 2000, đến nay còn lại 88 DN 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng và 21 công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý.
Để lãnh đạo thực hiện thắng lợi Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN Quân đội đến năm 2020, ngày 18/5/2017, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 425-NQ/QUTW về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ngày 4/10/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNQĐ đến năm 2020”.
Theo đề án được phê duyệt, Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì DN 100% vốn nhà nước đối với 17 DN, trong đó giữ nguyên 12 DN đang thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và xây dựng Đề án hình thành 5 tổng công ty có nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật đặc chủng, trên cơ sở cơ cấu lại các DN công nghiệp quốc phòng. Thực hiện cổ phần hóa 29 DN có ngành nghề kinh doanh chủ yếu là thương mại, xây dựng, dịch vụ. Thực hiện thoái vốn nhà nước tại 20 công ty cổ phần (thuộc danh mục DN Nhà nước không cần nắm giữ vốn điều lệ). Một số DN có quy mô nhỏ sẽ được sáp nhập, hợp nhất.
Bộ Quốc phòng sẽ duy trì tỷ lệ vốn Nhà nước từ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại 12 DN sau khi cổ phần hóa, gồm các Tổng Công ty: Đông Bắc, Xăng dầu Quân đội, Xây dựng Lũng Lô, Xây dựng Trường Sơn, Thành An, Đầu tư phát triển nhà và Đô thị Bộ Quốc phòng, Xây dựng công trình hàng không (ACC), Tổng Công ty 28 và các công ty: X20, Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (Tecapro), In Quân đội 1, In Quân đội 2. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các DN này theo tiêu chí, phân loại DN nhà nước, DN có vốn nhà nước hiện hành.
Hệ thống kho, bãi hiện đại của Công ty ICD Tân Cảng-Long Bình. |
Trong thời gian qua, các nguồn lực dành cho DN Quân đội đã ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể, về đất đai, các DN sử dụng đất quốc phòng cho mục đích kinh tế - quốc phòng cũng sẽ phải thuê đất. Bộ Quốc phòng đã thu hồi hơn 1.400 biển số xe quân sự của các DN, để tới đây mỗi DN Quân đội, kể cả DN 100% vốn Nhà nước cũng chỉ có tối đa 2 xe biển số quân sự. Khi rút hết vốn nhà nước tại DN nào thì cũng đồng thời sẽ thu hồi hết biển số xe quân sự tại DN đó.
Bộ Quốc phòng yêu cầu đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng tư tưởng để cán bộ, đảng viên và người lao động tại các DN thuộc diện cơ cấu lại, sáp nhập, cổ phần hóa, thoái vốn và giải thể nhận thức đầy đủ, thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Quân ủy Trung ương; kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng ngại đổi mới, né tránh cổ phần hóa.
Thiếu tướng Võ Hồng Thắng - Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng cho biết: “Việc cơ cấu lại sẽ tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn quân nhân, người lao động đang làm việc trong các DN Quân đội. Số lượng lao động phải chuyển đổi vị trí, bố trí sắp xếp lại và dôi dư cần giải quyết chính sách lớn, nhất là ở các DN thuộc diện sáp nhập, cổ phần hóa, giải thể hoặc phá sản. Đây là vấn đề khá phức tạp, nhạy cảm, nếu làm tốt sẽ tạo thêm động lực và ngược lại sẽ tạo lực cản đối với quá trình sắp xếp, đổi mới DN Quân đội lần này. Bởi vậy, đi đôi với công tác tư tưởng, tổ chức, các cơ quan, đơn vị có DN và các DN Quân đội thuộc diện cơ cấu lại cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách trong sắp xếp, đổi mới.
Theo đó, các đơn vị, DN cần khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức biên chế, bố trí, sắp xếp việc làm; phương án giải quyết số lao động dôi dư,... đảm bảo phù hợp với lộ trình sắp xếp, đổi mới và các quy định của pháp luật. Quá trình tiến hành, cần công khai phương án sắp xếp, điều động, luân chuyển; có chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ, nhân viên, người lao động đang làm việc có phẩm chất, năng lực tốt, giàu kinh nghiệm, có nguyện vọng tiếp tục gắn bó với DN. Đồng thời, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách hiện hành, cũng như chủ động phát hiện, đề xuất điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới các chế độ, chính sách phù hợp với quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự phát triển của thực tiễn nhằm động viên cả về vật chất, tinh thần đối với quân nhân, người lao động, nhất là số phải chuyển ra, đảm bảo cho họ ổn định tư tưởng, cuộc sống, v.v.
Cùng với các nội dung, biện pháp trên, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý để việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN Quân đội đạt mục tiêu, yêu cầu đã đề ra v.v…”.