Đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng

(PLVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi). Tại phiên họp, một số đại biểu vẫn còn băn khoăn với quy định về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh phát biểu tại phiên họp.

Cân nhắc quy định về hạn chế đảm nhiệm chức vụ

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật, theo đó thành viên Hội đồng thành viên của TCTD không được đồng thời đảm nhiệm chức vụ người quản lý, người điều hành TCTD, người quản lý doanh nghiệp khác.

“Việc hạn chế điều kiện thành viên Hội đồng quản trị như dự thảo Luật có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia Hội đồng quản trị”, đại biểu nói. Theo đại biểu, biện pháp phù hợp hơn là quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan.

Về giới hạn tỷ lệ sở hữu, khoản 2, khoản 3 Điều 63 dự thảo Luật đề xuất tỷ lệ sở hữu tối đa của tổ chức giảm từ 15% xuống còn 10%, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó giảm từ 20% xuống còn 15% vốn điều lệ của một TCTD.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn nhận định, sự thay đổi này cùng việc mở rộng khái niệm người có liên quan là nhằm chống lại tình trạng sở hữu chéo, tăng tính đại chúng trong sở hữu các TCTD, từ đó cải thiện tính minh bạch, giảm xung đột lợi ích khi cấp tín dụng và tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ, theo đó khẳng định tỷ lệ sở hữu cao của một số cổ đông không phải là vấn đề trực tiếp gây mất an toàn hệ thống ngân hàng, đại biểu kiến nghị giữ tỷ lệ sở hữu như quy định hiện hành. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng.

Đề nghị cấm bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng

Liên quan đến việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho biết, tại 2 kỳ họp trước đã phát biểu về việc ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần nhưng đại biểu vẫn còn băn khoăn.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu rõ mức chiết khấu tối đa cho đại lý bảo hiểm nhân thọ với 2 loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ biến là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ và bảo hiểm hỗn hợp là 4% cho phí bảo hiểm năm đầu.

Tại các ngân hàng thương mại có liên kết làm đại lý bảo hiểm nhân thọ có hiện tượng gợi ý ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng một năm là từ 2% đến 4% giá trị khoản vay. Tại các ngân hàng thương mại, nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và chỉ tiêu doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

Đại biểu bổ sung thêm thông tin, theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính tháng 7/2023 đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng qua kênh ngân hàng thương mại đã cho thấy, tỷ lệ hủy hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Nếu hủy năm đầu, khách hàng mất không số phí đã nộp. Chỉ tính riêng một công ty bảo bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4 đến 8% giá trị khoản vay. Lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên đến 50 đến 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.

Nêu số liệu của một số ngân hàng, theo đại biểu Phạm Văn Thịnh, giai đoạn từ 2018 đến 2022, thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm nhân thọ của các ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng rất lớn trong lợi nhuận của các ngân hàng này.

Với thực tiễn và lợi ích lớn như vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh cho rằng, nếu dự thảo Luật chỉ tiếp thu theo hướng bổ sung khoản 2, Điều 113: "Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước", thì sẽ không có gì đảm bảo cho tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian vừa qua.

"Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng dễ dàng đã khiến các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận”, đại biểu Thịnh phân tích.

Đại biểu đề nghị nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại không được thực hiện thì dự thảo Luật cần bổ sung một điều giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các TCTD làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Điều này sẽ tốt cho cả hình ảnh của ngân hàng thương mại và đặc biệt nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nghề đòi hỏi đạo đức và tính nhân văn hơn rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, hệ lụy của việc các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm thời gian qua đã rất rõ ràng. Các công ty bảo hiểm không có trụ sở bảo hiểm mà bán qua ngân hàng nên khách hàng gặp nhiều khó khăn khi có vấn đề cần giải quyết.

Ông Hòa nêu ví dụ cả khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có 13 tỉnh nhưng chỉ có 2 trụ sở công ty bảo hiểm. “Tôi ủng hộ quan điểm là không cho phép các ngân hàng liên doanh, liên kết bán bảo hiểm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đọc thêm