Đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.
Quang cảnh phiên làm việc chiều 23/10. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
Quang cảnh phiên làm việc chiều 23/10. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Chiều 23/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các báo cáo và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2024, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024 - 2026; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; báo cáo kết quả và báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN, phương án phân bổ NSTW năm 2024, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024 - 2026.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội về khả năng bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, với dự kiến thu chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của NSTW và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Về chi NSNN, Chính phủ kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN năm 2024, cụ thể đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN cho các nhiệm vụ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác theo Luật NSNN.

Bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn, chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương; dành nguồn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được NSNN đảm bảo; tăng chế độ ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, với mức thu và bội chi NSNN như trên, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2024 tăng khoảng 1,2% so với dự toán năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Cũng tại phiên làm việc chiều 23/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau gần 02 năm triển khai cho thấy việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong hoàn cảnh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành văn bản triển khai chính sách thuộc Chương trình đã được thực hiện tích cực, tuy nhiên một số văn bản còn chậm so với yêu cầu đề ra. Công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng Chương trình chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai; trong khi tình hình thế giới, trong nước từ đầu năm 2022 đến nay thay đổi nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới, không thể dự báo. Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ, dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023…

Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, tiếp tục giao Chính phủ triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đồng thời, Chính phủ kiến nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đến hết năm 2024. Giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay: Đối với việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này.

Về đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển cho các dự án đầu tư của Chương trình, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tối đa việc điều hòa vốn cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công.

Đọc thêm