Đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật

(PLVN) -Ngày 28/11, Bộ Tư pháp phối hợp Văn phòng Chính phủ và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Diễn đàn công tác pháp chế năm 2022.
Đảm bảo nguồn lực cho công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật

Ông Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Cao Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp; ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đồng chủ trì Diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Cao Huy nhấn mạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được xác định là một trong ba đột phá chiến lược tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020 thông qua tại Đại hội XI và tiếp tục được hoàn thiện các quan điểm lý luận và thực tiễn sâu sắc, toàn diện hơn tại Nghị quyết Đại hội XII và Đại hội XIII của Đảng.

Sau hơn 10 năm thực hiện đột phá chiến lược và triển khai Hiến pháp 2013, hệ thống pháp luật của nước ta cơ bản bao quát đầy đủ các mặt đời sống. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều đạo Luật quan trọng, điều chỉnh hiệu quả các quan hệ lớn trong kinh tế thị trường như bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp, quan hệ dân sự, kinh tế, hợp đồng, đầu tư, kinh doanh, cạnh tranh, bảo vệ môi trường; điều chỉnh các thị trường như bất động sản, hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, vốn, tín dụng, lao động; bên cạnh đó là các đạo luật về giải quyết tranh chấp, phá sản, xử lý vi phạm hành chính… Đồng bộ với đó là khối lượng công việc rất lớn trong triển khai thi hành pháp luật.

Về tổng thể, hệ thống pháp luật đã bao quát tương đối đầy đủ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế…, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, góp phần tạo nên thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta sau hơn 35 năm Đổi mới.

Ông Cao Huy nhấn mạnh: Chính phủ đặc biệt coi trọng công tác xây dựng hoàn thiện và thi hành pháp luật. Những thành tựu đã đạt được về thể chế và pháp luật có sự đóng góp quan trọng của các tổ chức pháp chế. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, hệ thống pháp luật cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: còn cồng kềnh, thiếu tính ổn định, một số quy định pháp luật chưa đi vào thực tiễn, thi hành pháp luật có lúc, có nơi còn lúng túng…

Đối với việc kiện toàn tổ chức pháp chế, sau hơn 10 năm triển khai Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, công tác này ngày càng được quan tâm, đi vào thực chất, đội ngũ cán bộ pháp chế ngày càng vững vàng về chuyên môn. Song, công tác pháp chế tại các Bộ, ngành vẫn chưa được quan tâm đúng mức, việc kiện toàn bộ máy còn nhiều khó khăn, nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Hội nghị Trung ương 6, Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nhấn mạnh trọng tâm là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng, nguồn nhân lực pháp luật”; xác định 10 Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong đó có: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững”.

Do vậy, pháp chế các Bộ, ngành cần nhận diện đầy đủ để có các giải pháp tổng thể khắc phục trong thời gian tới. Bộ Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò trong công tác theo dõi, đôn đốc, củng cố kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ pháp chế, trọng tâm là sửa đổi, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính quan tâm và đảm bảo các nguồn lực trong công tác xây dựng, hoàn thiện, thi hành pháp luật.

Thông tin về tình hình công tác pháp chế năm 2022, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: nhìn chung, vai trò chỉ đạo của lãnh đạo các bộ, ngành trong công tác pháp chế ngày càng được tăng cường. Nhiều bộ, ngành đã có chỉ thị, kế hoạch nhằm triển khai và tăng cường công tác pháp chế; chỉ đạo sát sao, kiểm tra thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi về biên chế, cơ sở vật chất; giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn đồng thời chỉ đạo việc phối hợp giữa các đơn vị với các tổ chức pháp chế trực thuộc bộ, ngành.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác pháp chế còn một số khó khăn. Do đó, cần kịp thời có các giải pháp khắc phục để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2023. Theo đó, cần triển khai một số giải pháp chủ yếu bao gồm: tăng cường công tác chỉ đạo; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác pháp chế; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp…

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin về công tác pháp chế, nhận diện những tồn tại, khó khăn tại cơ quan, đơn vị; đại diện Bộ Công an đánh giá và đề ra các giải pháp về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế; đại diện Bộ Tư pháp giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP…

Đọc thêm