TS.Ngô Đặng Nhân, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho biết, đám mây phóng xạ hình thành sau sự kiện của nhà máy điện số 1 Fukushima đi lên phía Đông Bắc ra biển và “không có xu thế bay xuống khu vực ở Việt Nam”.
Không có sự bất thường
Theo kết quả của trạm quan sát phóng xạ ở khu vực Đông Bắc nước ta thì “không có sự cố bất thường ở khu vực”. Ngoài ra, Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và Viện Nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân có đo mẫu phóng xạ trong không khí cũng không phát hiện số liệu bất bất thường. Đến nay, “trên lãnh thổ Việt Nam chưa có ảnh hưởng bởi sự cố tại Nhật Bản”.
Ngay sau khi Nhật Bản xảy ra động đất, Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong đã thành lập tổ công tác gồm đại diện Viện Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ hạt nhân và Cục Năng lượng nguyên tử trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế để kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin đảm bảo cung cấp thông tin cho các ngành, các cấp và xã hội kịp thời và chính xác về sự cố nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima.
Tổ công tác đã hoạt động liên tục từ khi động đất, sóng thần xảy ra tại Nhật Bản. Hôm 15/3, Bộ cũng có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng và cơ quan chức năng về toàn bộ sự cố xảy ra tại nhà máy số 1 Fukushima. “Bộ KH-CN sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến sự cố hạt nhân của Nhà máy điện số 1 Fukushima trên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân kịp thời theo dõi”, Thứ trưởng Lê Đình Tiến khẳng định.
Học khả năng ứng phó
Tuy nhiên, ông Vương Hữu Tấn - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam – nhận định, trước sự cố của Nhật Bản, Việt Nam phải xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp, trung tâm hỗ trợ ứng phó sư cố quốc gia và tại địa phương, cần đặt các trạm thông tin đo đạc phóng xạ, sớm phân tích quan trắc để sớm phát hiện sự cố, thông tin khí tượng thủy văn cũng cần phải được tăng cường. Hệ thống ứng phó khẩn cấp với sự cố hiện được xây ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và Khánh Hòa và lắp đặt các trạm quan trắc.
Việt Nam đang bắt tay vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân nên sự cố của Nhật Bản đã trở thành một lời cảnh báo. Rút ra bài học từ sự cố này, ông Vương Hữu Tấn cho rằng, Bộ KH-CN phải tổ chức nghiên cứu chặt chẽ, đặt các đối tác và Nhật Bản nghiên cứu tốt, kỹ lưỡng để cho các nhà máy điện của Việt Nam; đồng thời, học tập về khả năng ứng phó của người Nhật trước thảm họa này.
TS. Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – lưu ý, Việt Nam dù ở khu vực không nhiều khả năng phải chịu những trận động đất như Nhật Bản nhưng cũng cần đề phòng, tính toán đầy đủ trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo độ an toàn cao hơn.
Bên cạnh đó, yếu tố con người trong việc vận hành các nhà điện hạt nhân cũng rất quan trọng, cần được đầu tư thích đáng để có được đội ngũ các chuyên gia giàu kinh nghiệm lý luận và thực tiễn. Ngoài ra, việc ban hành và tuân thủ nghiêm ngặt các qui định pháp luật điều chỉnh về vận hành, bảo dưỡng, xây dựng, văn hóa an toàn, không chỉ trong nhà máy mà cả với cơ quan quản lý… để đảm bảo an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân.
Bộ KH-CN đang xây dựng tiêu chí về điều kiện dừng hoạt động của nhà máy điện hạt nhân khi có động đất và xin ý kiến bộ ngành đặt ra yêu cầu cho nhà thiết kế và sẽ có giải đáp trong thời gian sớm…
Huy Anh - Hoàng Thủy