Trùm băng đảng khét tiếng
Trong số những ông trùm xã hội đen ở Đài Loan, Hsu Hai-Ching còn có biệt danh khác là “Trọng tài cuối cùng của thế giới ngầm” hay “Anh Muỗi”. Hsu sinh năm 1913 ở Đài Loan. Hoạt động phạm pháp của đối tượng này bắt đầu khá sớm, với việc tham gia vào một băng nhóm chuyên hoạt động ở quận Vạn Hoa thuộc thành phố Đài Bắc từ đầu những năm 1930.
Bên cạnh máu liều lĩnh và giỏi tính toán, việc có thể sử dụng thành thạo tiếng Nhật đã giúp Hsu có thể thiết lập được liên hệ với các tổ chức xã hội đen ở Nhật, từ đó giúp hắn nhanh chóng nâng cao được vị trí trong băng nhóm.
Khi tiếng nói trong giới xã hội đen của Hsu tăng lên cũng là lúc hắn gia nhập băng Trúc Liên bang – băng nhóm Tam hoàng lớn nhất Đài Loan lúc bấy giờ và ở cả hiện nay. Vị thế của hắn trong băng nhóm này đã gia tăng nhanh chóng khi các thành viên của Quốc dân đảng tới Đài Loan.
Sự rối ren của xã hội lúc bấy giờ đã giúp Trúc Liên bang lớn mạnh vượt bậc, với tổng số thành viên lên đến 10.000 người. Các hoạt động của Trúc Liên bang cũng tương tự như nhiều tổ chức tội phạm khác: chúng điều hành nhiều cơ sở kinh doanh mà thoạt trông có vẻ như là hợp pháp nhưng thực chất chỉ là vỏ bọc để che đậy cho các đường dây mại dâm, buôn bán ma túy và buôn người cũng như các tội danh về tài chính khác.
Cùng lúc với sự gia tăng ảnh hưởng mạnh mẽ của Trúc Liên bang, Hsu cũng được thăng bậc, được xếp vào nhóm các thành viên cấp cao, có tiếng nói quyết định của tổ chức tội phạm này rồi sau đó trở thành thủ lĩnh của băng nhóm.
Trọng tài của các băng nhóm
Ở thế kỷ trước, các băng nhóm Tam hoàng, đặc biệt là Trúc Liên bang, có kỷ luật và cơ cấu tổ chức tương đối nghiêm. Trong Trúc Liên bang, thủ lĩnh của chúng được gọi là Đại ca. Băng nhóm này được chia thành 13 nhánh nhỏ, với các tên như Nhóm Hổ, Nhóm Rồng.
Song, trên thực tế, các nhóm của băng này hoạt động như những băng nhóm độc lập và thường xuyên đấu đá lẫn nhau để tranh giành địa bàn cũng như hoạt động làm ăn. Trong bối cảnh như vậy, Hsu nổi lên như một nhân vật đầy uy tín, vừa có uy lực vừa có tài thuyết phục để dàn xếp những tranh chấp giữa các nhánh của cùng băng Trúc Liên bang với nhau.
Không chỉ vậy, tên này còn có thể điều phối hợp tác giữa các băng nhóm với nhau. Khi một nhóm nào đó muốn vận chuyển heroin tới Nhật, Australia hay Mỹ, ông trùm này đã nghĩ ngay ra được cách tốt nhất là đưa ma túy tới miền Nam Trung Quốc bằng tàu cá thông qua Eo biển Đài Loan sau đó đưa lên tàu hàng ở Cao Hùng.
“Sau đó, hàng sẽ được đưa đến điểm đến. Trong quá trình đó, Hsu khéo léo điều phối, kêu gọi sự hợp tác của nhiều băng nhóm khác nhau để việc vận chuyển được suôn sẻ, các bên đều vui vẻ, không hề phát sinh tranh chấp” – một cảnh sát từng nhiều năm theo dõi các hoạt động của Hsu đúc rút.
Chính nhờ tài thu xếp, thương thảo để giải quyết tranh chấp đó nên Hsu được rất nhiều băng nhóm ở Đài Loan và cả ngoài Đài Loan kính nể và đặt cho biệt danh “Trọng tài cuối cùng”.
Tang lễ của Hsu |
Và, trong một xu thế không hề lạ lẫm ở thời kỳ đó: những tay găng-tơ bỏ tiền mua phiếu, vận động để được bầu vào bộ máy chính quyền. Năm 1950, Hsu cũng sử dụng tiền phi pháp kiếm được và “uy” của hắn để vận động tranh cử và trở thành một thành viên trong hội đồng thành phố trong khi vẫn tham gia vào các hoạt động phi pháp của Trúc Liên bang.
Với việc giữ cả 2 vị thế như thế, ở nhiều thời kỳ, Hsu thậm chí được cho là nhân vật quyền lực nhất Đài Loan, có tiếng nói mạnh mẽ hơn bất cứ nhân vật nào trong chính quyền khu vực này.
Dù có quá khứ huy hoàng như vậy nhưng Hsu có vẻ là một trong số ít những trùm băng nhóm thực sự “nghỉ hưu” và sống cuộc sống yên bình khi tuổi già. Đến những năm 1980, tên này được cho là không đóng bất cứ vai trò nào trong Trúc Liên bang và cũng không tham gia vào bất cứ hoạt động phạm pháp nào nữa.
Đám tang gây chấn động
Một ngày cuối tháng 3/2005, Hsu Hai-Ching khi đó đã bước sang tuổi 93 ung dung ngồi ăn sushi. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không xảy ra việc ông ta do không còn răng đã nuốt chửng cả miếng sushi và bị nghẹt thở đến suýt chết.
Miếng sushi sau đó đã được lấy ra nhưng nó vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của lão trùm già nua, khiến ông ta yếu đi trông thấy. Đến ngày 6/4/2005, Hsu Hai-Ching trút hơi thở cuối cùng.
Nguyên nhân cái chết được xác định là do biến chứng đột quỵ do miếng sushi gây ra trước đó 12 ngày. Tuy nhiên, phải đến ngày 29/5/2005, tang lễ của tên này mới được tổ chức và đây cũng là một sự kiện thu hút sự chú ý của đông đảo người dân ở cả Đài Loan và khắp thế giới. Tổng cộng đã có khoảng 10.000 thành viên của các băng đảng trong thế giới ngầm đã có mặt tại đám tang của nhân vật này.
Cảnh sát Đài Loan lo ngại rằng tình trạng bạo lực là không thể tránh khỏi khi có quá nhiều tên tội phạm tập trung về một chỗ như vậy nên đã điều hàng trăm cảnh sát đến làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ở Đài Bắc.
Bên cạnh việc đảm bảo trật tự, các cảnh sát được điều đến hiện trường cũng đã ghi lại toàn bộ tiến trình đưa tang ông trùm khét tiếng làm cơ sở giải quyết các sự kiện có thể phát sinh và thu thập thông tin tình báo về các thành viên băng nhóm cùng các cộng sự của chúng.
Song, điều lo ngại của họ đã không bao giờ trở thành sự thực. Bởi, cả 4 băng nhóm lớn nhất của Đài Loan, trong đó có Trúc Liên bang, Tứ Hải, đều đã nhất trí đình chiến một ngày, thỏa thuận sẽ không để tình trạng bạo lực hay đánh đấm giữa các bang với nhau hay giữa các thành viên trong bang để đảm bảo đám tang của gã trùm vừa qua đời được suôn sẻ.
Đây cũng được nhiều người nhìn nhận là biểu hiện rõ nhất cho thấy “uy” của Hsu Hai-Ching trong thế giới ngầm cũng như khả năng thu phục, hòa giải các băng của tên này, kể cả khi hắn đã chết.
Ngoài các thành viên của 4 nhóm tội phạm lớn nhất Đài Loan, tang lễ Hsu Hai-Ching còn có sự hiện diện của đại diện nhiều băng nhóm Tam hoàng khác ở Macau và Đài Loan cũng như thành viên của băng Yamaguchi-gumi – một trong những nhóm Yakuza chính ở Nhật Bản. Khi được hỏi, một trong những thành viên trong thế giới ngầm Nhật Bản dự lễ tang cho biết họ muốn thể hiện sự kính trọng với Hsu, đồng thời cũng để thể hiện tình cảm thân thiết với thế giới ngầm Đài Loan.
Đám tang bao gồm một lễ diễu hành kéo dài, trong đó các thành viên trong các băng nhóm thuộc thế giới ngầm – tất cả đều mặc đồ đen – chia thành 3 khối đã đưa tro cốt của Hsu đi suốt 10km từ Đài Bắc tới một nghĩa trang nằm ở ngoại ô thành phố này.
Cuộc diễu hành lớn đến mức đã khiến giao thông ở Đài Bắc rơi vào tình trạng tê liệt, kéo theo đó là việc kì thi vào trung học của 50.000 học sinh ở Đài Loan đã buộc phải hủy bỏ do các học sinh không thể đến được điểm thi vì tắc đường.
Trong số những người đến dự đám tang còn có người đứng đầu hội đồng thành phố Đài Bắc lúc bấy giờ Wu Bi-chu. Bà Wu nói rằng bà đến dự lễ vì Hsu từng là một thành viên trong hội đồng thành phố. Ngoài ra, nhiều nhân vật tiếng tăm trong giới giải trí cũng đến dự lễ tang.