'Đàn bà xây nhà, đàn ông xây tổ ấm': Đâu sai, khi sống đúng với bản thân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hạnh phúc một gia đình không phải là sự phân công cứng ngắc theo “định kiến” về giới tính. Mà “chìa khóa” để gắn kết mỗi thành viên trong nhà đó là được tôn trọng, thấu hiểu và sống đúng với nhu cầu, năng lực của chính mình.
Nhiều phụ nữ bị hạn chế năng lực, đàn ông áp lực khi phải sống trong “khuôn mẫu” giới.
Nhiều phụ nữ bị hạn chế năng lực, đàn ông áp lực khi phải sống trong “khuôn mẫu” giới.

Thuận theo tự nhiên

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, là câu nói được nhiều người Việt Nam biết đến, trở thành một định kiến về vai trò của phụ nữ, đàn ông trong gia đình. Người phụ nữ thường gắn với công việc nhà, tình cảm dành cho chồng con. Trong khi ngược lại, người đàn ông lo đáp ứng nhu cầu về vật chất, công danh. Điều này, tạo nên áp lực với tất cả mọi người trong một gia đình.

Ở thế kỷ hai mươi mốt, người phụ nữ ở Việt Nam phải đảm đương cả việc đi làm, lẫn chăm sóc gia đình, nếu không hoàn thành tốt, họ sẽ bị chê là “đoảng”, “người vợ bất tài”. Câu chuyện này, vô tình tạo nên căng thẳng, mệt mỏi, mà lâu dần sẽ tích tụ, trở thành khúc mắc trong lòng người phụ nữ, khiến cho các gia đình bất hòa, tệ hơn là tan vỡ.

Như vào năm 2022, một nữ MC kiêm Á hậu nổi tiếng người Việt Nam, đã quyết định ly dị chồng sau hai năm kết hôn, vì cảm thấy cô đơn, lạc lõng khi bạn đời của cô luôn sống giống một “người độc thân”. Trong khi đó, những việc nhà như rửa bát, nấu cơm, trông con nhỏ, thì cô phải thức suốt ngày đêm để làm. Từ đấy, khiến nữ MC cảm thấy buồn bã, tủi thân và kết thúc mối tình “đẹp như mơ” được báo chí, truyền thông ca ngợi lúc trước.

Không chỉ người phụ nữ, ngay cả đàn ông cũng đang gánh chịu áp lực từ việc phải kiếm tiền, “thăng quan, tiến chức” để đảm bảo cuộc sống tốt cho gia đình. Thống kê ở cuộc phỏng vấn của nhóm nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội, có 25% số nam giới được hỏi gặp áp lực trong cuộc sống. Trong đó, có hơn 80% bị áp lực kinh tế, gần 70% áp lực sự nghiệp, điều này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý và tinh thần.

Thực tế, theo các nghiên cứu khoa học, mỗi người đều có một thế mạnh riêng, không phụ thuộc vào giới tính. Ví dụ, người đàn ông không phải bất kỳ ai cũng hợp với ngành Khoa học, Kỹ thuật,… Cũng như phụ nữ không nhất thiết phải đi theo ngành nghề thiên về chăm sóc, cảm xúc.

Theo một số liệu quốc tế, có đến 90% số người làm đầu bếp là đàn ông. Điều này cho thấy, thực chất, người đàn ông hoàn toàn có khả năng nấu nướng, nội trợ, như người phụ nữ. Có nghĩa, làm việc nhà giống nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa là hoạt động liên quan đến bản năng, thiên hướng tự nhiên của con người, chứ không phụ thuộc vào những “khuôn mẫu” giới.

Như hiện nay, có những người đàn ông quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp nuôi dạy trẻ giống câu chuyện của thầy Trần Quốc Hiệu. Vào năm 37 tuổi, thầy Hiệu mới nộp hồ sơ thi vào các trường thuộc khối Sư phạm, để làm thầy giáo mầm non. Thầy từng cho biết, gia đình, người thân rất bất ngờ về quyết định này, vì cho rằng nghề này không phù hợp với người đàn ông. Nhưng, với tình yêu trẻ nhỏ, mong muốn được dạy dỗ các em học sinh, thầy vẫn quyết tâm hoàn thành ước mơ. Hiện tại, thầy Hiệu, đang là một giáo viên mầm non và mỗi ngày đều cùng học sinh tập múa, ca hát như bao cô giáo khác.

Hay đó là câu chuyện của anh Lâm Trần Thừa Chi đã từng nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng vì “tình yêu” với việc nội trợ. Anh có sự hứng thú trong việc nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Cả hai vợ chồng đều đi làm ở bên ngoài, nhưng khi về nhà, thì anh Chi chính là người nấu những bữa cơm ngon, đẹp mắt cho vợ con. Ngoài ra, thời gian rảnh, anh còn hay xem các sách dạy nấu ăn, coi đó là một công việc rất đỗi bình thường của bản thân.

Ngày nay, người đàn ông, người phụ nữ tại Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều từ truyền thống, hình thành nên “khuôn mẫu” về giới. Điều này, mặc định bổn phận, nghề nghiệp của người đàn ông gắn liền với vật chất, công danh, dù họ có thể không muốn như vậy. Hoặc ngược lại, “khuôn mẫu” giới đang kìm hãm người phụ nữ, làm cho họ không thể phát triển sự nghiệp dù có năng lực.

Ở nhiều nước, dù chức vụ, thu nhập của chồng ít hơn của vợ, nhưng không vì thế mà hôn nhân mất đi hạnh phúc. Thậm chí, nhiều người vợ cảm thấy hạnh phúc khi được chồng thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ mình. Như thống kê của Cục Thống kê Hàn Quốc, có đến 160.000 người đàn ông quyết định ở nhà chăm sóc con, trở thành “hậu phương” giúp người người bạn đời an tâm đi làm việc.

Theo bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc điều hành Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), nam tính không phải thể hiện ở việc người đàn ông làm kinh tế mà còn là sự bảo vệ, bao bọc, hỗ trợ với vợ con, các thành viên khác trong gia đình và điều hoà các mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu. “Ở Việt Nam, nam giới Việt đang gặp một số vấn đề nghiêm trọng khi phải đối mặt với việc quan niệm cũ và trụ cột mới. Chúng ta cần thay đổi quan niệm về trụ cột trong gia đình của nam giới để thúc đẩy bình đẳng giới hơn”.

Làm nội trợ hay trụ cột gia đình là khả năng của con người, không phụ thuộc vào giới tính.

Làm nội trợ hay trụ cột gia đình là khả năng của con người, không phụ thuộc vào giới tính.

Thấu hiểu nhau để xây dựng gia đình hạnh phúc

Hiện nay, ở Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ định kiến xã hội cho rằng việc nhà là của đàn bà. Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), có đến 30% số nam giới được hỏi mong muốn người phụ nữ ở nhà làm nội trợ, 21% nam giới muốn phụ nữ đi làm có thu nhập và đến 44% số người được hỏi mong muốn phụ nữ vừa đi làm, vừa hoàn thành các công việc nhà.

Còn ngược lại, những người phụ nữ thường cảm thấy xấu hổ nếu chồng bị mang tiếng là “ăn bám” đối với bạn bè, hàng xóm, họ hàng. Theo nghiên cứu “Những giá trị cơ bản của gia đình Việt Nam đương đại và một số vấn đề đặt ra” vào năm 2021 của PGS.TS Trần Thị Minh Thi (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới), có đến 44,4% người được hỏi tin rằng vai trò trụ cột kinh tế trong gia đình thuộc về đàn ông. Và 76.6% số người phụ nữ kết hôn với tiêu chí đầu tiên là bạn đời phải đáp ứng các nhu cầu về kinh tế. Trong khi, người đàn ông kết hôn không ưu tiên lên hàng đầu tiêu chí này dành cho đối phương.

Điều đó cho thấy, có những nguyên nhân sâu xa, đang tồn tại trong hình mẫu “trụ cột” gia đình của người Việt Nam. Đầu tiên, đó là người phụ nữ vẫn chưa đánh giá đúng về vai trò của bản thân. Thực chất, chính họ phải tự tin rằng mình có thể làm nên giá trị, kiếm ra tiền và được lựa chọn cuộc sống đúng theo khả năng, thiên hướng, trình độ học vấn. Hơn nữa, đó còn là kỹ năng sống của các cặp vợ chồng, khi họ không thể trò chuyện, thấu hiểu nhau, để từ đó đưa ra phương pháp giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân.

Giống như GS.TS Nguyễn Hữu Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), từng lý giải về việc số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng tại Việt Nam có xu hướng tăng lên: “Khi đi sâu phân tích các nguyên nhân để làm giảm tỉ lệ này, chúng tôi thấy các cặp vợ chồng đang rất thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử trong cuộc sống chung đầy khó khăn và nhiều khác biệt trong sinh hoạt”. Điều này xuất phát từ việc mỗi thành viên trong gia đình, có cái “tôi” quá cao, không dành thời gian để chia sẻ, thấu hiểu nhau.

Đạo diễn nổi tiếng thế giới Lý An - người đã giành tám tượng vàng Oscar từng nói sẻ về cuộc hôn nhân hạnh phúc của ông. Đó là người vợ không thích nấu nướng mà giống một “tổng quản” ba thành viên là ông và hai người con. Phần lớn thời gian rảnh, ông sẽ nấu những món ăn Trung Quốc cho cả hai vợ chồng, đưa con đi học, nói chuyện với bạn bè của con. Còn vợ ông, lại là một giáo sư tài năng trong ngành vi sinh vật, cũng là người duy nhất ủng hộ và kiếm tiền “nuôi” giấc mơ làm nghệ thuật của chồng trong sáu năm khi ông thất nghiệp.

Câu chuyện trên, cho thấy, một điều quan trọng, đó là tình cảm gia đình không được đánh giá bằng các “định kiến” về vai trò của người vợ hoặc chồng trong một nhà. Mà tuyệt vời nhất, chính là khi các thành viên trong gia đình cùng thấu hiểu, tương trợ, ủng hộ và tôn trọng nhau. Muốn được như vậy, thì mỗi người phải có đủ lòng vị tha, bao dung, kiên nhẫn và trò chuyện để có thể hiểu được đối phương.

Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình tháng 10/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Như vậy, gia đình đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của xã hội, đất nước.

Để một gia đình hạnh phúc, gắn kết với nhau rất cần sự hỗ trợ, tuyên truyền của Đảng và Chính phủ để người phụ nữ, đàn ông có được sự bình đẳng trong hôn nhân. Đặc biệt là việc xóa bỏ những định kiến truyền thống lạc hậu, đang có nguy cơ làm “rạn nứt” các mối quan hệ trong gia đình.

Đọc thêm