Dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng

(PLVN) - Đó là ý kiến được Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra hôm qua (26/10). 
Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc tham gia ý kiến của đại biểu chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. 

Theo ông Trần Thanh Mẫn, dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Nếu trước đây, chúng ta mới chỉ ghi “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, thì lần này, dự thảo đề xuất “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy, đã bổ sung cả hệ thống chính trị bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.

Nhắc tới việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ông Mẫn khẳng định, dự thảo Văn kiện tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. “Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt. Dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết- dân chủ- kỷ cương và sáng tạo là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước”- ông Mẫn nhấn mạnh.

Góp ý vào các dự thảo văn kiện, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho rằng, thời gian qua, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm pháp luật của các cơ quan pháp quyền còn nhiều, đến mức phải  xử lý như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng...

Bên cạnh đó, đổi mới giáo dục- đào tạo, khoa học chưa trở thành động lực then chốt. Việt Nam đang làm việc gia công phụ kiện cho nước ngoài và đang bị lệ thuộc vào họ. Các nước đầu tư vào Việt Nam sản xuất nhiều sản phẩm nhưng chủ yếu để xuất khẩu, không chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. 

Trên cơ sở đó, Thiếu tướng Võ Sở kiến nghị cần đưa công nghiệp chế tạo, chế biến lên cao hơn trong định hướng về phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó quan tâm sản xuất công nghiệp nặng, có sản xuất tư liệu sản xuất, hạn chế việc để lệ thuộc kinh tế nước ngoài. 

Về công tác xây dựng Đảng, cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục đề cao sự nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư… Đặc biệt, phải loại trừ bằng được phe nhóm trong lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng.

Quản lý Nhà nước đối với giáo dục cần tập trung

Theo GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, dự thảo văn kiện nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, “nhưng lại không thấy tiêu chí cho từng con người thì phát triển thế nào?”- GS Phạm Tất Dong đặt vấn đề.

Ông cũng cho hay: dự thảo văn kiện nói “Chương trình Sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”- điều này “đúng mà không đúng”. Lý do là hiện nay cả xã hội đang xôn xao và chúng ta cần đi sâu vào bản chất xem quần chúng mong muốn gì ở Sách giáo khoa.

Cùng quan điểm trên, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; ngoài ra, quản lý nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. PGS Nhĩ khẳng định, Cao đẳng, Đại học là một hệ thống, nhưng quản lý chưa tập trung khiến cho quá trình liên thông gặp khó khăn.

Mặt khác, hệ thống trường Cao đẳng ở nước ta rất lớn nhưng văn kiện chưa đề cập. Vì vậy, dự thảo cần ghi thêm nội dung: “Quản lý nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường Cao đẳng, Đại học còn phân tán”.

Nhất trí cao với mục tiêu Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu lên thực trạng đáng suy ngẫm: Hiện nay, công nhân lao động đang làm việc 48 giờ/tuần nhưng trong thực tế, phần lớn công nhân lao động làm việc 60 giờ trở lên, thậm chí đến 70 giờ/tuần, đây là điều rất bức xúc, làm sao công nhân có thời gian để học tập?

Để giải quyết bất cập trên, ông Tiêm mong muốn có sự đổi mới mạnh mẽ trong giáo dục, đào tạo, bởi khi công nhân lao động được học tập suốt đời, được nâng cao trình độ đào tạo tại đơn vị thì tay nghề và thu nhập của người lao động sẽ được nâng lên.

“Chúng tôi đang đấu tranh để thời gian tới công nhân chỉ phải làm việc 40 giờ/tuần, có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, tham gia học tập… Rất mong Nghị quyết nêu ra, chính sách phải có sự đồng bộ  giữa giáo dục – đào tạo – khoa học công nghệ và chính sách tiền lương, an sinh xã hội để mọi người dân cùng tích cực tham gia học tập. Đấy mới là mục tiêu cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới”, ông Tiêm chia sẻ.

Bày tỏ sự đồng tình với những nội dung cơ bản trong dự thảo văn kiện, tuy nhiên, về tầm nhìn và định hướng phát triển trong những năm tới, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nguyễn Phương Nga đề nghị phân tích sâu thêm những thuận lợi và cơ hội của bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Chẳng hạn, các nước chú trọng hơn tới việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững; những thành tựu của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, từng bước khẳng định được hình ảnh, vị thế của một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của các tổ chức thành viên trong việc ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt những ngày qua, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, các tổ chức thành viên phối hợp cùng với MTTQ các cấp tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm bắt tình hình để chăm lo đời sống cho đồng bào, đưa ra phương án phù hợp để cùng với bà con chủ động phòng ngừa bão lũ có thể tiếp tục đổ bộ vào miền Trung.

Từ đó, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh khi cơn lũ đi qua.

Đọc thêm