Dân có kiện, văn bản trái luật mới hết đường nảy nở

(PLO) - Kiểm soát sự lộng quyền, lạm quyền và tha hóa quyền lực là mục đích thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước bằng các phương thức khác nhau, trong đó có sự kiểm soát của tư pháp đối với lập pháp và hành pháp qua kiểm soát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhấn mạnh vai trò kiểm soát của quyền tư pháp đối với lập pháp, hành pháp bằng đề xuất cho phép tổ chức, cá nhân khởi kiện trước tòa về việc cơ quan hành chính nhà nước ban hành VBQPPL trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hủy bỏ và bồi thường thiệt hại xảy ra đã được đặt ra tại Hội thảo “Những vấn đề lý luận về quyền tư pháp ở Việt Nam – Giá trị phổ biến và giá trị đặc thù” được tổ chức sáng qua (27/6) trong khuôn khổ các hội thảo của đề tài cấp Nhà nước “Quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì nghiên cứu.
Dân sai thì “xử lý ghê gớm”, nhưng chậm xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIII vừa qua, Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) quan tâm đến việc “mở rộng quyền làm chủ của người dân để người dân được khởi kiện các VBQPPL của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình”. 
Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật của người dân, tổ chức sẽ bị xử lý “một cách ghê gớm” bằng các chế tài được qui định trong các VBQPPL, nhưng có một sự bất công khi “các cơ quan nhà nước ban hành VBQPPL sai, trái pháp luật thì chúng ta xử lý rất chậm” khiến ĐB Nguyễn Bá Thuyền thấy nghi ngờ về Nhà nước pháp quyền.
Theo qui định của pháp luật hiện hành, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ “tuýt còi” đối với các VBQPPL của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trái pháp luật. Luật cũng qui định rõ trách nhiệm tự kiểm tra, xử lý các VBQPPL trái pháp luật song việc này được thực hiện rất “e dè”. Một phần do các cơ quan ban hành VBQPPL bảo lưu quan điểm, không thừa nhận sai sót trong ban hành văn bản, một phần cũng do thái độ “nhờn” luật vì có chậm trễ cũng chả sao, “sửa trước hay sửa sau cũng thế” như một cán bộ pháp chế thổ lộ.
Do đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Có nghĩ đến việc trong thời gian nhất định nào đó, chúng ta đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội mở rộng quyền làm chủ của người dân để người dân được khởi kiện các VBQPPL của Nhà nước để bảo vệ quyền lợi của mình?”. ĐB này lập luận rằng, khi được Nhà nước ủy quyền bảo vệ quyền lợi người dân, tổ chức mà không thực hiện được thì phải giao cho người dân, tổ chức quyền đó, để khi VBQPPL trái pháp luật thì người dân có quyền khởi kiện và tòa phải xử công bằng. 
TS.Hoàng Thế Liên (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp) khi phân tích về vấn đề kiểm soát quyền lực giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng đặt vấn đề: “Để kiểm soát đối với hành pháp, cần cho phép tổ chức, cá nhân khởi kiện trước tòa về việc cơ quan hành chính nhà nước ban hành VBQPPL trái với Hiến pháp, luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hủy bỏ và bồi thường thiệt hại xảy ra”.
Người dân sắp có quyền khởi kiện
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận thực tế: “Sòng phẳng ra, trong một Nhà nước pháp quyền thì cũng cần nghiên cứu để bổ sung quy định người dân và doanh nghiệp được khởi kiện cơ quan nhà nước. Trước mắt có thể từ cấp Bộ trở xuống cho đến cấp địa phương, khi ban hành văn bản pháp luật sai hoặc chậm, trực tiếp gây ra thiệt hại về vật chất cho họ, như thế đương nhiên có trách nhiệm bồi thường”.
Để tiếp tục cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực, theo tinh thần của cương lĩnh và tinh thần của Hiến pháp 2013, Bộ trưởng cho rằng: “Đã đến lúc cần phải nghiên cứu để giao cho TANDTC khi xét xử các vụ án cụ thể mà phát hiện ra văn bản của các Bộ hoặc các địa phương trái với Hiến pháp, trong Hiến pháp có quy định về cơ chế bảo hiến thì có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó”. 
Khi cho dân quyền khởi kiện việc ban hành VBQPPL sẽ đặt ra trách nhiệm bồi thường. Trong thời gian qua, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết và một số VBQPPL được ban hành sai trái đã tác động không nhỏ đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, môi trường đầu tư, kinh doanh, quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Đoan (Đại học Luật Hà Nội), luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của các chủ thể ban hành văn bản nói trên khiến quyền lợi của người dân, tổ chức bị ảnh hưởng từ VBQPPL chậm ban hành hay trái pháp luật không được bảo đảm trọn vẹn.
Dù nhiều chuyên gia thấy “rất khó để quy định trách nhiệm của các cơ quan này trong việc bồi thường thiệt hại vì việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh phải qua nhiều giai đoạn, với sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau”, nhưng Bộ Tư pháp cho rằng cần có quy định về trách nhiệm trong ban hành VBQPPL gây thiệt hại cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước nhân dân trong một Nhà nước pháp quyền, tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. 
Như vậy, với cơ chế này, Bộ Tư pháp đã đề xuất để người dân được thực hiện quyền trực tiếp kiểm soát hoạt động hành pháp thông qua ban hành VBQPPL và cũng là giao cho TAND quyền kiểm soát cơ quan hành pháp thông qua xét xử các vụ kiện này để không còn “vùng cấm” trong quyền khởi kiện của người dân, tổ chức, tăng vai trò của tòa án trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức và niềm tin của người dân vào cơ quan đại diện cho nền công lý này.

Đọc thêm