Đàn ông Việt và chiếc 'vòng kim cô'…

(PLVN) - Theo một khảo sát trên 2.000 nam giới tại nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam về khái niệm “đàn ông đích thực”, hàng chục yêu cầu được nam giới đặt ra. Đó là đàn ông đích thực phải là người lãnh đạo, phải biết làm việc nhà và phải kiếm nhiều tiền…
Các đại biểu tham dự diễn đàn. (Ảnh: VNMenNet)

Áp lực từ “người đàn ông đích thực”

Đây là chia sẻ của bà Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), tại Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững năm 2023. Theo bà Hồng, Việt Nam mặc dù là đất nước đi chậm hơn trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới nhưng đã đạt được nhiều thay đổi tích cực trong thời gian qua. Nhiều đàn ông tại Việt Nam đang có thay đổi tích cực. Nam giới trẻ tuổi chia sẻ công việc gia đình, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với phụ nữ. Tuy nhiên, theo bà Hồng, đàn ông Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn khi muốn làm “đàn ông đích thực”.

Bà Hồng cho hay, Viện ISDS đang thực hiện một nghiên cứu từ năm 2019 để có thể ra một cuốn sách về nam giới Việt Nam. “Trong nghiên cứu, chúng tôi phát hiện những điều rất thú vị. Chẳng hạn như nghiên cứu chúng tôi phát hiện khái niệm “đàn ông đích thực” rất được xã hội quan tâm. Chúng tôi đã khảo sát hơn 2.000 nam giới ở mọi vùng miền với câu hỏi: “Người đàn ông đích thực” là gì? Rất nhiều nam giới trả lời rằng, “người đàn ông đích thực” ở Việt Nam là người phải có sự nghiệp, phải phấn đấu có vị trí ở cơ quan nhà nước, là người lãnh đạo, là người đàn ông có tay nghề cao, làm chủ công nghệ số,… Về mặt thể chất thì “người đàn ông đích thực” phải là người khỏe mạnh, có năng lực tình dục mạnh mẽ, chủ động trong quan hệ với phụ nữ, sẵn sàng sử dụng sức mạnh để bảo vệ danh dự của mình. “Người đàn ông đích thực” cũng phải là người đàn ông của gia đình, trụ cột gia đình, kiếm được tiền, nuôi sống gia đình của mình”, bà Hồng chia sẻ.

Theo bà Hồng, những phẩm chất được nam giới nêu ra trong khảo sát cho thấy nam giới còn đang đặt nặng tâm lý về giới. Vô hình trung, rất nhiều tiêu chuẩn của “người đàn ông đích thực” này lại có tác động tiêu cực đến nam giới.

Nghiên cứu cũng cho thấy, đối với nam giới đề cao tiêu chí này thì thường là người có hành vi bạo lực với vợ, người thân của mình. Bởi họ bị áp lực cá nhân rất lớn, luôn luôn phải chứng tỏ mình là người đàn ông mạnh mẽ, đích thực. Những “tiêu chuẩn” của “người đàn ông đích thực” này có thể gọi là “nam tính độc hại” dẫn đến bất bình đẳng giới”, TS. Hồng cho hay.

Giáo sư Michael Flood tại Đại học Queensland Australia - chuyên gia hàng đầu thế giới về huy động nam giới và trẻ em trai trong phòng ngừa bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới đã chia sẻ trực tuyến với diễn đàn về kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế về sự tham gia của nam giới và trẻ em trai trong việc ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ và xây dựng bình đẳng giới.

Ông Michael Flood đặt vấn đề, hình ảnh nam tính là phải “đội mũ phớt”, là người chế ngự gia đình, mạnh mẽ... Điều đó có thật sự đúng không và hệ lụy ra sao? Theo ông, trong xã hội mang tính chất gia trưởng “trọng nam, khinh nữ” dẫn đến suy nghĩ đàn ông phải mạnh mẽ, cứng rắn… tạo áp lực cho chính nam giới và gây tổn hại cho phụ nữ. Những diễn đàn như thế này sẽ là hoạt động tích cực truyền đi thông điệp về bình đẳng giới đến với đông đảo mọi người, thu hút sự quan tâm của xã hội.

“Xã hội ngày càng quan tâm giữa nam giới và nam tính. Bởi theo truyền thống, nam giới có quyền cao hơn phụ nữ, họ tự cho mình “quyền” cư xử với phụ nữ ra sao cũng được. Sống trong bối cảnh khuôn mẫu là những tổn hại cho nam giới như rượu, bia, thậm chí ma túy. Đó là lý do chúng ta cần quan tâm hơn tới nam giới và nam tính. Đàn ông tự cho mình vào chiếc “hộp” của sự chuẩn mực. Lý tưởng của đàn ông Việt là những lý tưởng mang tính truyền thống. Hãy thay đổi câu chuyện, nêu ra những phòng ngừa phát triển nam tính lành mạnh, không phải trong “chiếc hộp - vòng kim cô nam giới”... về chí làm trai, chí nam nhi mang tính độc hại” - GS Michael Flood nhấn mạnh.

Cần thay đổi từ người đàn ông “gia trưởng”

Ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện của UNFPA phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: VNMenNet).

Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng, đã đến lúc nam giới cần phải thay đổi quan niệm về tiêu chuẩn và phải thay đổi bắt đầu từ trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết: “Thực tế chúng ta đã tuyên truyền rất tốt về phụ nữ và quyền của nữ giới trong bình đẳng giới. Thế nhưng, bình đẳng giới cần sự bình đẳng chung chứ không chỉ là một giới nhất định. Tôi đã từng tham gia diễn đàn về bình đẳng giới, thế nhưng 100% trẻ em gái tham gia, không có trẻ em trai được mời đến sự kiện. Hay những số liệu liên quan đến quyền trẻ em hầu hết là số liệu của trẻ em gái mà không có nghiên cứu nào dành cho trẻ em trai. Để thúc đẩy bình đẳng giới chúng ta cần quan tâm bình đẳng ở cả hai giới và cần bắt đầu nhận thức từ trẻ em” - ông Nam khẳng định.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho rằng, nam giới cần tham gia nhiều hơn với tư cách là những nhà vận động bình đẳng giới trong cuộc sống của chính họ.

Đồng thời, nam giới cần lên tiếng với tư cách là những tác nhân thay đổi chuẩn mực và hành vi “gia trưởng”. Loại bỏ các định kiến giới dẫn đến sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng đối với phụ nữ, trẻ em và những người ở các bản dạng giới khác, gồm người khuyết tật, nhóm LGBTQI+ và người dân tộc thiểu số. Bởi theo ông, bình đẳng giới không phải vấn đề của riêng phụ nữ mà là của cả nam giới và các giới khác.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Đại học Y Hà Nội - Chủ tịch Ban điều hành Diễn đàn VNMenNet cho biết, tuy mới chỉ chính thức thành lập được hai năm nhưng thông qua các thành viên tích cực của mình, Diễn đàn đã hiện diện tại nhiều sự kiện, hoạt động, dần trở thành một đối tác tin cậy, sáng tạo cho nhiều cá nhân, tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững cả trong và ngoài nước.

Diễn đàn Kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững là sự kiện thường niên, tạo cơ hội chia sẻ một số hoạt động nổi bật mà VNMenNet đã kết nối, hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam thực hiện trong một năm vừa qua. Tiêu biểu có thể kể tới: Việc thực hiện “Báo cáo rà soát các mô hình hỗ trợ nam giới có hành vi bạo lực trong nước và quốc tế”. Ra mắt và kết quả bước đầu của việc thực hiện mô hình tư vấn pháp luật cho nam giới có hành vi bạo lực của CLAP; Cuộc thi “Pháp luật về bình đẳng giới qua lăng kính sinh viên” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thu hút 12 nghìn sinh viên tham gia.

Chuyên gia lưu ý, những phẩm chất được nam giới nêu ra trong khảo sát cho thấy nam giới còn đang rất đặt nặng tâm lý về giới. Nam giới cần lên tiếng nhiều hơn để giảm phân biệt đối xử. Hãy lên tiếng khi có hành vi bạo lực. Chia sẻ bình đẳng nội trợ gia đình! Kêu gọi phòng ngừa khẩn cấp với phụ nữ và trẻ em gái!

Sự kiện cũng là diễn đàn để các chuyên gia, các nhà hoạt động về bình đẳng giới cùng nhau ngồi lại, chia sẻ về hoạt động, bài học kinh nghiệm và thảo luận về kế hoạch tương lai nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác phát triển bền vững giữa VNMenNet và các đối tác nhằm tăng cường đầu tư nguồn lực và kết nối các đối tác nhằm tạo ra một phản ứng cộng đồng thúc đẩy công tác phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới.

Có những giá trị khác tuyệt vời hơn việc kiếm tiền

Tại “Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững năm 2023”, ông bố Nguyễn Thành Chung, CLB Làm cha là thế chia sẻ câu chuyện của mình: “Đàn ông chia sẻ cảm xúc rất khó. Trước khi lập gia đình tôi tự tin kiếm tiền giỏi, có tình yêu đẹp, sau đó hồn nhiên bước vào cuộc sống gia đình. Và rồi, tôi không hẳn sốc mà bị vùi dập. Hầu hết các anh thấy đàn ông đi làm kinh tế rất quan trọng. Nhưng thực tế còn rất nhiều vấn đề. Trước kia, tôi không biết đời sống làm cha sẽ như thế nào. Giá mình có kiến thức để vượt qua thì sẽ dễ dàng hơn. Sau đó, tôi đã dừng việc công ty để tìm hiểu về điều gì đang xảy ra trong gia đình nhỏ của mình. Trước đây, tôi thấy có thể trắng đêm làm việc với đối tác nước ngoài rất nhẹ nhàng. Nhưng sau hai đêm chăm con, tôi thấy có những giá trị khác tuyệt vời hơn việc kiếm tiền. Khi đó tôi thấy cần hiểu giá trị cốt lõi của vấn đề. Đàn ông sẽ không bị thui chột cảm xúc nếu biết cân bằng giữa công việc và chia sẻ cuộc sống gia đình với vợ con! Đó là rất nhiều điểm chạm cụ thể, chứ không chỉ là kiếm tiền giỏi”...

Bên cạnh đó, một chia sẻ khác của một ông bố trong CLB Làm cha là thế cho rằng, không ít đàn ông Việt sau khi lập gia đình đã không chú ý tới cảm xúc của vợ. Một đứa trẻ được sinh ra trong gia đình như vậy, xu hướng chọn bạn đời sẽ không hạnh phúc và khổ đau. Làm sao để có những kết nối để hiểu bạn đời của mình, để cùng chung cảm xúc, chứ không chỉ chung trách nhiệm nuôi những đứa trẻ lớn lên…

Đọc thêm