Dân số già: Thách thức toàn cầu và giải pháp an sinh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) dự báo đến năm 2050, số người trên 60 tuổi sẽ tăng gần gấp đôi, vượt quá 2 tỷ, chiếm hơn 20% dân số toàn cầu, so với khoảng 12% hiện nay. Tốc độ già hóa nhanh chóng đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, y tế và xã hội, đòi hỏi các chính phủ phải đưa ra các chính sách pháp luật và an sinh xã hội phù hợp.
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới. (Ảnh: AFP)
Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới. (Ảnh: AFP)

Thập kỷ dân số già và gánh nặng an sinh

Theo UNFPA, các khu vực trên thế giới đều sẽ ghi nhận sự gia tăng về số lượng và tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân cư. Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới, với hơn 28% dân số trên 65 tuổi. Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của già hóa dân số, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích người cao tuổi tham gia lao động và đầu tư vào công nghệ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, các biện pháp này vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề khi số người phụ thuộc vào hệ thống an sinh xã hội ngày càng tăng.

Tại châu Âu, Đức là một ví dụ điển hình về sự đối mặt với già hóa dân số. Theo Viện Thống kê Đức, tỷ lệ người trên 65 tuổi ở nước này đã tăng từ 20% năm 2010 lên 22% năm 2020. Để ứng phó, chính phủ Đức đã tăng cường các chính sách hỗ trợ người cao tuổi, như mở rộng các dịch vụ chăm sóc tại nhà và tăng cường đào tạo lực lượng lao động trong ngành chăm sóc sức khỏe. Dù vậy, Đức vẫn phải đối mặt với thách thức lớn về tài chính và nguồn lực để duy trì các chính sách này.

Tại Trung Quốc, già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng do chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ. Đến năm 2050, Trung Quốc dự kiến sẽ có khoảng 487 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 35% dân số. Như các quốc gia khác, chính phủ Trung Quốc cũng phải áp dụng nhiều biện pháp nhằm đối phó, bao gồm tăng cường hệ thống an sinh xã hội, khuyến khích sinh con và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Dù vậy, với quốc gia tỉ dân, hạn chế về nguồn lực vẫn là vấn đề nan giải trước gánh nặng quá lớn của hàng trăm triệu người già.

Hoa Kỳ cũng có tỷ lệ người trên 65 tuổi dự kiến tăng từ 16% năm 2018 lên 23% năm 2060. Chính phủ Hoa Kỳ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người cao tuổi, như Medicare và Social Security, nhưng các chương trình này đang gặp áp lực lớn về tài chính. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, số người hưởng lợi từ các chương trình này sẽ tăng mạnh trong những năm tới, gây áp lực lên ngân sách liên bang.

Dù châu Phi luôn được biết đến là lục địa có dân số trẻ và tỉ lệ sinh cao nhưng một số quốc gia ở Bắc Phi như Tunisia, Algeria, và Morocco cũng đang bắt đầu trải qua sự già hóa dân số. Tại Tunisia, tỷ lệ sinh ở Tunisia đã giảm mạnh từ thập niên 1960, và tuổi thọ trung bình đã tăng lên. Theo Liên hợp quốc, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên ở Tunisia đang tăng từ mức khoảng 5% vào năm 2000 lên 9% vào năm 2020 và sẽ tiếp tục tăng trong các thập kỷ tới. Còn tại Algeria, tỉ lệ sinh đã giảm đáng kể, từ hơn 7 trẻ em/phụ nữ vào thập niên 1960 xuống còn dưới 3 trẻ em/phụ nữ vào những năm gần đây. Điều này, kết hợp với tuổi thọ ngày càng tăng, đã dẫn đến tình trạng dân số già hóa ở quốc gia này.

Già hóa dân số là một thách thức toàn cầu đòi hỏi các quốc gia phải có những chính sách pháp luật và an sinh xã hội phù hợp. Các chính phủ trên thế giới đã và đang nỗ lực không ngừng để thích ứng và đưa ra các chính sách phù hợp nhằm bảo đảm rằng mọi người, bất kể tuổi tác, đều có cơ hội sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc.

Các quốc gia nỗ lực cải tiến chính sách an sinh

Trong bối cảnh dân số già, các chính sách an sinh xã hội cần được cải cách để bảo đảm tính bền vững và hiệu quả. Một trong những giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng là tăng cường hợp tác công - tư trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội. Tại Thụy Điển, chính phủ đã hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận và doanh nghiệp tư nhân để mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ trong chăm sóc sức khỏe cũng là một hướng đi. Nhật Bản và Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ như robot chăm sóc, trí tuệ nhân tạo và IoT (Internet of Things) để hỗ trợ người cao tuổi. Những công nghệ này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi mà còn giảm bớt áp lực cho lực lượng lao động trong ngành chăm sóc sức khỏe.

Giải pháp khác là khuyến khích người cao tuổi tiếp tục làm việc và tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội. Tại Singapore, chính phủ đã triển khai chương trình “Silver

Support Scheme”, cung cấp hỗ trợ tài chính cho người cao tuổi có thu nhập thấp, đồng thời khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động tình nguyện và công việc bán thời gian. Chính sách này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người cao tuổi mà còn tận dụng được kinh nghiệm và kỹ năng của họ để đóng góp cho xã hội.

Cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo nghề cũng là một yếu tố quan trọng trong việc đối phó với già hóa dân số. Tại Canada, chính phủ đã tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo nghề cho người lao động lớn tuổi, giúp họ nâng cao kỹ năng và tiếp tục tham gia vào thị trường lao động. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong khi đó, việc bảo đảm chất lượng chăm sóc người cao tuổi cũng là một vấn đề quan trọng. Nhiều quốc gia đã đặt ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng dịch vụ chăm sóc và tăng cường giám sát các cơ sở cung cấp dịch vụ. Tại Úc, chính phủ đã thành lập Ủy ban Chăm sóc Người cao tuổi (Aged Care Quality and Safety

Commission) để giám sát và bảo đảm chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Ủy ban này có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá và xử lý các cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm người cao tuổi được chăm sóc tốt nhất.

Ở một góc độ khác, hầu hết các chính sách an sinh xã hội đều đối mặt với thách thức lớn nhất là bảo đảm tính bền vững tài chính. Nhiều quốc gia đã phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách do chi phí chăm sóc người cao tuổi tăng cao. Để giải quyết vấn đề này, một số quốc gia như Pháp đã thực hiện các biện pháp tăng thuế hoặc cắt giảm các khoản trợ cấp không cần thiết. Tuy nhiên, khi chính phủ Pháp tăng thuế lao động và cắt giảm các khoản trợ cấp để bảo đảm nguồn tài chính cho hệ thống an sinh xã hội, chính sách này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân và các tổ chức xã hội.

Bên cạnh đó, do già hoá dân số là vấn đề toàn cầu nên việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết vấn đề ngày cũng ngày càng quan trọng hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và hỗ trợ các quốc gia phát triển các chính sách an sinh xã hội bền vững. Thông qua các chương trình hợp tác, diễn đàn trao đổi, các quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm và chia sẻ các thực tiễn tốt nhất trong việc xây dựng và triển khai các chính sách an sinh xã hội.

Đọc thêm