Đang có quá nhiều luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động ngoại thương

(PLO) - Theo chương trình làm việc của Quốc hội, sáng nay (27/10), Quốc hội nghe Chính phủ trình Luật Quản lý ngoại thương. 
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh  trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý ngoại thương.
Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật quản lý ngoại thương.

Theo Ban Soạn thảo, một trong những lý do phải ban hành Luật quản lý ngoại thương là bởi hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra rất sôi động, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương đã chặt chẽ,  song còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện như : Có quá nhiều văn bản dẫn đến  trùng lắp, chồng chéo,  sự minh bạch chưa cao,  tính ổn định, dự báo còn thấp…

Dự thảo Luật  này sẽ điều chỉnh công tác quản lý nhà nước về ngoại thương bao gồm: các biện pháp quản lý, điều hành hoạt động ngoại thương (các biện pháp hành chính, các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch, khẩn cấp, phòng vệ thương mại, phát triển hoạt động ngoại thương…) có liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế. Không điều chỉnh các hoạt động cụ thể của thương nhân, giữa các thương nhân với nhau. Chỉ điều chỉnh đối tượng là hàng hóa, không điều chỉnh đối tượng  dịch vụ.

Về nguyên tắc áp dụng Luật: Do hoạt động ngoại thương được điều tiết bởi một lượng không nhỏ pháp luật chuyên ngành, Dự thảo Luật đã đưa ra nguyên tắc áp dụng pháp luật nhằm loại bỏ những mâu thuẫn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như thương nhân.

Đối với các quy định về thuế, do Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một hệ thống các văn bản rất chặt chẽ, chi tiết liên quan đến lĩnh vực thuế (trong đó có 01 Luật riêng về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu) nên hàng hóa thuộc trường hợp phải nộp thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Đối với hoạt động ngoại thương và chính sách ngoại thương với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu), Dự thảo Luật cũng có quy định loại trừ việc áp dụng, theo đó các hoạt động và chính sách ngoại thương đối với các đơn vị này được thực hiện theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Dự thảo Luật cũng xác định nguyên tắc quan trọng liên quan đến áp dụng Luật này và các Luật chuyên ngành khác trong quản lý hoạt động ngoại thương cũng như các điều ước quốc tế có liên quan. 

Theo đó, Dự thảo Luật quy định biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương và giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương tuân thủ theo quy định tại Luật này và luật khác có liên quan. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về biện pháp cấm, hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết tranh chấp, phòng vệ thương mại trong hoạt động ngoại thương thì thực hiện theo quy định của Luật này; trường hợp có quy định khác nhau về các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch thì áp dụng quy định của pháp luật về biện pháp đó.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Thẩm tra Dự thảo Luật quản lý ngoại thương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương; tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển ngoại thương, tạo lập chính sách phòng vệ thương mại linh hoạt và phù hợp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động ngoại thương, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

  Ủy ban Kinh tế cho rằng, đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ với đặc thù là cung cấp qua biên giới và tiêu dùng ngoài lãnh thổ, hiện đang được điều chỉnh ở các pháp luật chuyên ngành  và theo kinh nghiệm quốc tế, pháp luật về quản lý ngoại thương của nhiều nước cũng chỉ quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, bên cạnh đó những hình thức dịch vụ thương mại có chức năng cung cấp dịch vụ cho hoạt động mua bán, phân phối, lưu chuyển hàng hóa trong nước và ngoại thương như các dịch vụ logistic, giám định, quá cảnh... đã được quy định trong Luật thương mại năm 200.

Do đó, Ủy ban Kinh tế tán thành với phạm vi điều chỉnh quy định các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương tại dự thảo Luật.

Đọc thêm