10 năm thi hành Luật Thương mại: Còn nhiều rủi ro cho thương nhân

(PLO) - Cùng với xu hướng phát triển thương mại hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Thương mại 2005 không còn phù hợp và sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Do đó, các chuyên gia và đại diện nhiều hiệp hội tại Hội thảo “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại 2005” do Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hôm qua (16/10) khẳng định, sửa đổi Luật Thương mại 2005 (LTM 2005) là cần thiết để tránh những rủi ro cho thương nhân và tạo sự minh bạch, ổn định cho môi trường kinh doanh để nền kinh tế thị trường vận hành hiệu quả.
Luật gây “khó dễ” cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của giới chuyên môn, LTM 2005 chưa thể hiện hết vai trò trong điều chỉnh các hoạt động thương mại của thương nhân, nhiều chế định bị pháp luật chuyên ngành khác “gặm nhấm” nên Luật dần dần bị “lãng quên” trong thực tiễn.
Luật sự (LS) Ngô Việt Hòa, Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) của USAID nhấn mạnh, ngoài quy định về giới hạn mức phạt 8% phần nghĩa vụ bị vi phạm trong các hợp đồng thương mại được dẫn chiếu nhiều nhất thì “nhiều quy định của LTM đã “ngủ yên” trong 10 năm không được dẫn chiếu, áp dụng vì đã có quy định của các luật chuyên ngành”. 
Bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phản ánh, nhiều quy định của LTM, điển hình là quy định về khuyến mại, đang bị “lờ đi” cho thấy sự “lỗi thời” của đạo luật này so với thực tiễn hoạt động thương mại, gây tâm lý coi thường pháp luật. 
Chỉ ra “mấy sự thật” về LTM, LS. Hòa cũng nhận thấy hầu hết các quy định quan trọng về hoạt động thương mại, chính sách thương mại không thể tìm thấy trong Luật mà được quy định “chằng chịt” trong các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, nhiều quy định của LTM lại gây ra sự chồng chéo không cần thiết trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Dân sự nên LTM “dường như làm phức tạp hơn” việc áp dụng pháp luật tư trong hoạt động kinh doanh. 
Thậm chí, các chuyên gia chỉ rõ nhiều quy định liên quan đến giấy phép, thủ tục hành chính như các hoạt động thương mại chỉ được thực hiện khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền “chấp thuận” hoặc “cho phép” nhưng lại thiếu rõ ràng về điều kiện, tiêu chí cấp phép. Điều này không chỉ khiến các thương nhân không dự đoán được chính sách mà còn tạo dư địa cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhũng nhiễu, gây “khó dễ” cho DN” - bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét. 
Nhiều “kẽ hở” cho “buôn gian, bán lận”
Ngoài ra, trong 10 năm thi hành LTM, hoạt động quản lý, định hướng hoạt động thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, nhất là trong quản lý nhập khẩu còn nhiều lúng túng khiến khu vực thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm tỉ trọng rất lớn và ngày càng tăng trong thương mại nội địa.
Đồng thời với việc áp dụng chiến lược kinh doanh “chấp nhận lỗ lớn trong thời gian dài” cộng với những thủ thuật chuyển giá tinh vi, các DN có vốn đầu tư nước ngoài có nhiều “đất” để cạnh tranh không lành mạnh với DN phân phối trong nước. Cùng với đó, hệ thống pháp luật về thương mại còn những kẽ hở, tạo điều kiện cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường.
Các chuyên gia và đại diện các hiệp hội cùng cho rằng, để góp phần thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của thương nhân, doanh nghiệp và tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, LTM cần được hoàn thiện theo định hướng “DN/thương nhân có quyền hoạt động kinh doanh trong một môi trường pháp lý công bằng, ổn định, minh bạch, đơn giản và hiệu quả”. 
Bà Trần Đỗ Quyên – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương cho biết, Bộ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định việc nghiên cứu, trình Dự án LTM (sửa đổi) trong năm 2017 và thông qua vào năm 2018. Cùng với đó là đề xuất xây dựng Dự án Luật Quản lý ngoại thương và ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản hướng dẫn thi hành LTM ngay trong năm 2016. 
Tranh chấp thương mại tăng dần đều
Với sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ thương mại, bà Phan Thị Thu Hà, Viện Khoa học Xét xử, TANDTC cho biết, các vụ án kinh doanh, thương mại được thụ lý, giải quyết tăng dần đều qua các năm. Tỷ lệ các vụ tranh chấp được hòa giải thành trong giai đoạn sơ thẩm cao (trên 30%). Song theo một trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “DN phải ra tòa là do rất “bầy hầy”, không chấp hành qui định của pháp luật nhưng nhiều chế định của LTM chưa rõ ràng nên giải quyết tranh chấp cũng khó khăn”.

Đọc thêm