Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Nguyễn Chi Lan khẳng định, hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản có liên quan mật thiết tới hoạt động phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, có nhiều lý do ảnh hưởng tới chất lượng của hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản như thiếu cơ chế pháp lý đăng ký tự nguyện đối với trường hợp đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản là động sản, thiếu cơ chế pháp lý áp dụng cho việc đăng ký các quyền khác đối với tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015.
Việc thực hiện các thủ tục đăng ký tài sản chưa được xây dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin về tài sản giữa các cơ quan đăng ký thuộc hệ thống khác nhau dẫn đến việc đăng ký tài sản gia tăng thủ tục, chi phí một cách đáng kể. Mô hình cơ quan đăng ký phân tán, thiếu tập trung, quy trình đăng ký thiếu thống nhất ngay trong chính loại tài sản đăng ký.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký tài sản được ban hành nhiều với 12 luật và bộ luật, 12 nghị định, 13 thông tư và 1 quyết định của Bộ trưởng. Các văn bản này được ban hành ở những thời kỳ khác nhau và do các cơ quan khác nhau đề xuất hoặc ban hành một cách độc lập nên khó có sự đồng bộ và nhất quán. Tính dự báo trong hệ thống pháp luật về đăng ký tài sản còn chưa cao, dẫn đến phản ứng chính sách còn thiếu kịp thời.
Do đó, đề xuất xây dựng Luật Đăng ký tài sản nhằm khắc phục tối đa, triệt để những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật về đăng ký hiện hành; điều chỉnh tổng thể, toàn diện các quy định cốt lõi nhất của hoạt động đăng ký tài sản nói chung, đăng ký bất động sản, động sản và đăng ký các quyền đối với tài sản nói riêng.
Để phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và tiếp thu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của các nước có hệ thống pháp luật về đăng ký bất động sản phát triển thì Luật Đăng ký tài sản dự kiến điều chỉnh 2 vấn đề. Theo đó, điều chỉnh nguyên tắc đăng ký, giá trị pháp lý của việc đăng ký bất động sản; các trường hợp đăng ký, thẩm quyền và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về bất động sản; tổ chức, hoạt động của cơ quan đăng ký bất động sản và quản lý nhà nước về đăng ký bất động sản. Phạm vi tài sản đăng ký bao gồm: quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký quyền hưởng dụng, quyền bề mặt đối với bất động sản, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề và đăng ký các giao dịch liên quan đến bất động sản, các quyền phát sinh từ hợp đồng, giao dịch bất động sản.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Hồ Quang Huy, cần xây dựng hành lang pháp lý chung nhất về đăng ký tài sản để quản lý tài sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nhưng phải thận trọng để tránh va chạm các luật hiện hành. Trong đó, cần phân loại để áp dụng các nguyên tắc riêng với mỗi loại tài sản như động sản, bất động sản để áp dụng thống nhất, đồng bộ với các luật chuyên ngành.
Còn Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh, phải xác định rõ mục đích của việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản là nhằm kiểm soát tài sản, góp phần phòng, chống tham nhũng nên nếu chỉ khoanh vùng đối với bất động sản thì sẽ không bao quát được hết mục tiêu này. Hiện nay, việc đăng ký bất động sản thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đăng ký tàu bay, tàu biển thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải còn đăng ký động sản là một hình thức giao dịch, tuy nhiên góc độ quản lý chung về đăng ký tài sản thì chưa được đề cập. Do vậy, cần tiếng nói chung của các bộ để ban hành được Luật Đăng ký tài sản, trong đó chú trọng tới vấn đề đăng ký sở hữu tài sản để có thể từng bước ổn định tình trạng tài sản “trôi nổi, bong bóng” như hiện nay.
Để đảm bảo tính thuyết phục và khả thi, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho rằng cần rà soát thực tế hiện nay tài sản nào mà cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng ký nhưng vẫn thiếu cơ chế đăng ký. Đồng tình với quan điểm này, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai đề xuất thêm, cần làm rõ đăng ký bất động sản đang vướng ở đâu để hạn chế tối đa tình trạng cá nhân, doanh nghiệp tẩu tán tài sản. Cùng với đó, cần làm rõ động sản là gì, loại động sản nào cần đăng ký và làm rõ lý do đăng ký.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, vấn đề đăng ký tài sản, đặc biệt là đăng ký bất động sản ở nước ta hiện nay còn nhiều điểm vướng nên để đảm bảo tính khả thi, cần tránh đụng chạm với các luật khác. Mặc dù trong lĩnh vực đất đai, đăng ký bất động sản là lĩnh vực quan trọng nhưng thời đại 4.0, giá trị của các tài sản vô hình không phải đất đai cũng rất lớn, nên nếu xây dựng luật thuần túy về bất động sản hay động sản đều chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Do vậy, Bộ trưởng đề nghị tập trung nghiên cứu các quy định về giao dịch tài sản để theo dõi tình trạng biến động của tài sản trên tinh thần tôn trọng các quy định pháp luật hiện hành. Cùng với đó, cần tiến hành khảo sát, tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản, đảm bảo phù hợp với tình hình cụ thể ở nước ta.