[links()] Thấy con gà nhà mình xuống ruộng ăn lúa bị xua đuổi, cậu bé Thông đã vác dao sát hại người dám đuổi con gà của mình khiến nạn nhân gục chết ngay trên cánh đồng..
Vụ án để lại những dư chấn đau lòng cho người dân địa phương, đặt ra những câu hỏi trách nhiệm cho chính quyền địa phương khi đối tượng thanh niên này từng có một quá khứ bất hảo trước khi phạm tội tày trời.
“Nghịch tử” từng vác dao giết bố bất thành
Không phải dễ dàng để đến được với xã Bình Tân bởi con đường lầy lội, nhiều điểm chia cắt do mưa lũ. Thế nhưng chỉ cần hỏi về cậu bé Thông thì ai cũng lắc đầu ngao ngán về quá khứ tội lỗi của cậu bé này.
Chỉ mới học lớp 1 trường làng rồi bị lưu ban hai năm, thấy “ớn” con chữ nên Võ Chí Thông (15 tuổi, ngụ xã Bình Tân, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nghỉ ở nhà chăn trâu cho bố mẹ. Tuổi thơ của cậu bé cũng không được êm đềm khi mắc chứng động kinh, nhưng do kinh tế gia đình nghèo khó, thiếu ăn quanh năm nên cậu không được đưa đi chữa chạy.
Ngày xưa khi đứa bé hư đốn, cứ hễ “đụng” đến là y như rằng cậu té xuống, “giựt tay, giựt chân, sùi bọt mép” khiến ba mẹ, hàng xóm không dám nói một tiếng nặng nhẹ mà lại hết mực cưng chiều. Đến năm 10 tuổi, căn bệnh cũng hết đi nhưng “được nước làm tới”, cộng với ít học nên cậu bé ranh mãnh đã có dấu hiệu ăn cắp vặt, gây lộn, quậy phá xóm làng.
Số tiền bà mẹ của cậu cực nhọc bán vé số tại Sài Thành gửi về cho chồng thường bị đứa con hư đốn lén trộm cắp mang tiêu xài riêng. Hết trò ăn cắp tiền, hễ cứ nghe ai trong xã có người bán cây (dân ở đây trồng keo) là Thông lại lần mò tới lập mưu trộm.
Ông Bùi Viết Trương, Phó Công an xã Bình Tân cho biết, cộng với những hành vi suốt ngày lêu lổng, tụ tập những thành phần bất hảo trong xã để gây gổ đánh nhau, công an đã gọi Thông lên giáo dục nhiều lần, tuy nhiên thấy cậu bé còn ở tuổi vị thành niên nên chính quyền vẫn chưa dám “mạnh tay” và chính sự nương nhẹ này đã là đất sống cho hành vi phạm tội.
Trước ngày gây ra án mạng ít hôm, Thông cũng đã từng vác dao rượt giết bố bất thành. Theo lời kể của ông bố, không hiểu từ lúc nào con mình đã biết chơi cờ bạc và thiếu nợ đến 5 triệu đồng. Nghĩ rằng mẹ đã gửi tiền cho bố nên Thông yêu cầu bố trả nợ thay. Đã sẵn bực tức về đứa con nghịch tử chỉ biết ăn cắp tiền, quậy phá xóm làng khiến mình “đi ra làm đồng cũng phải cúi mặt vì xấu hổ” nên ông chửi mắng Thông và kiên quyết không cho tiền.
Ảnh minh họa. |
Hận bố, đứa con nhiều ngày lớn tiếng cãi chửi cha. Đỉnh điểm là tối ngày 20/8, trong lúc cự cãi với cha, Thông đã xuống bếp lấy con dao rựa di phát bờ làm ruộng thẳng tay chém người sinh ra mình. May mắn, người cha vùng chạy và được anh chị em của Thông cùng hàng xóm phát hiện chạy vào can ngăn nên mới thoát cái chết. “Chuyện trong nhà nên không ai báo với cơ quan chức năng”, người cha buồn rầu thuật lại.
Giết người vì… bỏ ghét
Hết chém cha, đứa con bất hiếu này giở thói côn đồ với dân làng mà hậu quả đau lòng là cái chết của một người hàng xóm vào ngày 24/8 vừa qua.
Chúng tôi ghé xóm Tân Phụ (Nhơn Hòa II, Bình Tân), tìm đến nhà người chồng của nạn nhân đã bị Thông giết chết. Lau vội nước mắt, ông kể vào chiều này 27/8 đang cùng vợ là bà Bùi Thị Bông (SN 1957) gặt lúa trên thửa ruộng của gia đình tại cánh đồng thuộc xóm Lương Nông (Nhơn Hòa II, Bình Tân), nằm ngay trước nhà của Thông.
Lúc này vợ chồng ông thấy có mấy con gà xuống ăn lúa dưới ruộng nên xua đuổi. Bỗng một lúc sau, gã thiếu niên hư hỏng đi tới và hét to hỏi bà Bông: “Con gà của tui bị đuổi chừ ở đâu rồi?”. Khi bà Bông chưa kịp trả lời, bất ngờ hắn cầm dao nhọn thủ sẵn trong người đâm một nhát vào lưng nạn nhân. Những người cắt lúa cùng bà Bông do bất ngờ, quá sững sờ trước sự việc xảy ra nên phải một lúc sau họ mới kêu cứu được. Đến khi mọi người chạy đến, cũng là lúc nạn nhân đã tắt thở bên vũng máu do vết đâm xuyên tim quá hiểm.
Sau khi gây án, gã thiếu niên côn đồ vác dao chạy về nhà cố thủ. Nhận được tin báo, lực lượng công an cùng chính quyền địa phương đã đến khuyên Thông ra trình diện. Lúc này, người cha của Thông đang đi làm đồng hay chuyện cũng chạy về nhà ngồi ngay lối đi, khuyên đủ điều rồi van xin Thông mở cửa cho ông được vào trong.
Thậm chí ông còn tính sẽ lén đi cửa sau để “tui giết nó chết quách cho rồi”. Thấy không thuyết phục được, lực lượng cảnh sát đã huy động nhiều người chia làm hai mũi, một bên phá cửa, một bên ập vào lối khác để khống chế, bắt giữ gã thiếu niên sát nhân và hung khí.
Tại cơ quan điều tra, bước đầu gã trai thản nhiên khai nhận: “Do “tức khí” cái gia đình bà Bông gặt lúa ngay trước nhà nói cười ồn ào, làm chướng tai gai mắt tôi. Hơn nữa, bà ấy ngày nào cũng kêu tôi lại, khi dạy bảo, khi thì nói này nói nọ, khuyên can mà không hề cho tiền hay giúp được gì cho tôi. Sự việc vợ chồng bà xua đuổi con gà nhà tôi đang nhặt thóc dưới ruộng lúa là “giọt nước tràn ly” nên tôi lấy dao đâm chết bà cho… bõ ghét”.
Bài học đớn đau
Hơn hai tháng đã qua kể từ khi xảy ra vụ án, những người dân trong thôn vẫn không tin thảm án lại xảy ra từ những nguyên nhân cực kỳ vụn vặt như vậy. Người thân của nạn nhân thì vẫn đau đớn với câu hỏi: “Vì sao thằng Thông lại nổi cơn điên như thế”.
Trong ánh mắt của cô bé học sinh lớp 10 là con gái chị Bông vẫn ẩn chứa nét hoảng loạn, thảng thốt khi cô bé nhớ lại cái ngày đang ở trường thì nhận được điện thoại của chị gái gọi về “má có chuyện rồi”. Cô bé nhận ra điều chẳng lành khi về tới nhà thấy trong sân nhà mình đã chật cứng người. “Trong giấc ngủ em vẫn mơ về má.
Má nói má chết oan, hai má con cùng đi chơi nhưng về đến nhà mình thì má lại nói “má phải về đây”… Em không muốn tỉnh dậy nữa, em không thích thấy sự thật ni chút mô”, chúng tôi chết lặng khi nghe cô bé nói như vô hồn. Sau một phút thẫn thờ, cô bé nói bên di ảnh mẹ: “Má mất rồi, em cũng không còn thiết tha chi đến học hành, mà có muốn thì tương lai cũng mù mịt quá. Ba em dù là trụ cột trong nhà nhưng cũng hay ốm đau luôn. Ngày trước có má chăm, khi hết việc đồng áng má còn đi làm thuê kiếm cái ăn, nuôi mấy anh chị học, chừ thì tụi em đành chịu”.
Ngồi kế bên, sau một hồi ngồi lặng câm, người chồng nạn nhân kể tiếp, gia đình ông và gia đình hung thủ đều là anh em trong làng nên quý nhau lắm. Ngày còn bé, mỗi khi đi làm đồng, vợ ông thường hãy ẵm bồng Thông. Kể cả khi Thông đã lớn, dù có phá phách, hư hỏng, bà Bông vẫn hay khuyên nhủ Thông như con ruột vì biết gia cảnh thiếu thốn, lại không có mẹ bên cạnh để yêu thương.
“Cũng có một lần Thông chạy qua nói với vợ tôi cho nó mượn 2 triệu để lo làm ăn. Bà Bông khi ấy phần vì không có tiền, phần vì gặng hỏi thằng Thông đủ điều xem nó mượn tiền tiêu xài cái gì, rồi thấy không hợp lý nên không cho mượn. Không biết có phải vì lý do này mà từ đó, Thông ít thân thiện với gia đình tôi hơn. Mà chắc do oan nghiệt gì rồi, đến ba nó còn giết nữa thì đâu kể ai. Xưa thì ngày mô nó cũng “cô Bông”, rứa mà chừ nó đâm bả một nhát chí tử”, người chồng chua chát.
Xóm nhỏ bàng hoàng sau thảm án bất ngờ. Cũng có người bình tĩnh nên khi lý giải nguồn gốc của vụ án đã trầm tĩnh phân tích: “Thằng bé từ nhỏ đã được cưng chiều nên sinh hư. Rồi chính quyền lại nương tay mà không có biện pháp mạnh nên trẻ nhỏ mới bỗng dưng độc ác đến thế. Trong vụ án này, không chỉ gia đình mà cả địa phương cũng có một phần trách nhiệm đã để thằng bé từ “cỏ dại” thành “cỏ độc””.
Theo Pháp luật & Thời đại