Mô hình chống dịch hiệu quả
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm 24/6, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá rất cao các biện pháp chủ động và sáng tạo, ứng phó linh hoạt với tình hình, sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nỗ lực phòng chống dịch, đưa Việt Nam trở thành mô hình chống dịch hiệu quả trên thế giới, được WHO nghiên cứu phổ biến rộng rãi.
Bà Caitlin Wiesen – Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam – đánh giá cao các biện pháp chỉ đạo, điều hành ứng phó với dịch bệnh COVID-19 của Việt Nam. Bà khẳng định, chỉ số theo dõi về phát triển lấy con người làm trung tâm của Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên hàng đầu việc đáp ứng các nhu cầu của nhân dân, coi đó là nhiệm vụ cấp thiết trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát.
|
Bà Caitlin Wiesen. |
Chính phủ vừa thực hiện được phương châm bảo đảm sức khoẻ người dân trong khi vẫn duy trì mục tiêu kinh tế thay vì quan điểm sai lầm cho rằng chỉ có thể lựa chọn một trong hai. “Bằng cách hành động nhanh chóng và quyết đoán, hàng nghìn sinh mạng đã được cứu sống và Việt Nam đã có thể dỡ bỏ các biện pháp giãn cách sớm hơn hầu hết các nước khác. Vì chú trọng đến con người, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương vào năm 2020”, bà Caitlin Wiesen nói.
Bà Wiesen cho hay, nghiên cứu của UNDP về “ý kiến và kinh nghiệm của người dân về hành động ứng phó đại dịch COVID-19 của Chính phủ ở Việt Nam” đã khẳng định sự ủng hộ rộng rãi của người dân tại Việt Nam đối với ứng phó Covid-19 của Chính phủ. Theo Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, việc ứng phó với đại dịch của Việt Nam trong năm ngoái hiện vẫn có ích để các nước tham khảo chống dịch trong giai đoạn hiện nay, khi dịch bệnh đang trỗi dậy với các biến thể mới, dễ lây lan hơn của virus xuất hiện.
Bà Wiesen bày tỏ đánh giá cao cách thức Chính phủ Việt Nam phân nhóm các đối tượng ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19, trước tiên cho các nhân viên ở tuyến đầu chống dịch và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả người già và những người có bệnh nền, sau đó đến mọi người dân để kiểm soát đại dịch.
Trưởng Đại diện thường trú cũng cho rằng, sự lãnh đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ và sự tận tâm, nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ tuyến đầu, cán bộ y tế và những người khác tham gia ứng phó COVID-19 tại Việt Nam đã tạo niềm tin cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại nước ta. “Thông tin rõ ràng, thường xuyên về tình hình dịch bệnh và các hoạt động phòng chống, kiểm soát dịch đóng vai trò thiết yếu giúp chúng tôi an tâm”, bà nói.
Rõ hơn tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội
Amiad Horowitz là một người Mỹ. Tốt nghiệp ngành sử học ở Đại học Bar Ilan (Israel), anh tập trung nghiên cứu về Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện đang cộng tác với tờ People’s World, sống ở Hà Nội 8 năm, đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Amiad Horowitz cho biết, bạn bè và gia đình ở Mỹ đã rất lo lắng cho anh. “Mọi người gọi điện, nhắn tin hỏi tôi về tình hình ở đây. Tôi nói với họ mình đang ở nơi an toàn nhất trên thế giới”, Horowitz kể.
|
Anh Amiad Horowitz. |
Đánh giá rất cao về cách tiếp cận với dịch bệnh của Việt Nam, Amiad Horowitz cho rằng cách ứng phó của Việt Nam với dịch bệnh COVID-19 là rất đặc biệt và thực sự nổi bật so với các quốc gia trên thế giới. “Đó là cách ứng phó không hề do dự đặt cuộc sống của người dân lên trên hết. Nhờ đó mà Việt Nam là một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới trong đại dịch này. Ngay cả những nước mà một năm rưỡi sau khi đại dịch bùng phát đang có khả năng tiếp cận với vaccine nhiều hơn Việt Nam cũng vẫn phải chật vật để có được kết quả như Việt Nam”, Amiad Horowitz nhấn mạnh.
Theo anh này, hướng đi của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với dịch bệnh rất đúng đắn. “Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hành động quyết liệt ngay từ sớm nên thời gian phải giãn cách ở các lần bùng phát dịch ngày càng ngắn hơn”, anh nói. Anh đặc biệt ấn tượng với việc cơ quan chức năng của Việt Nam không ngừng tìm kiếm những biện pháp phù hợp để cân bằng giữa việc phòng, chống dịch và bảo đảm các nhu cầu thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân.
Horowitz đánh giá cao sự vào cuộc chống dịch của cả hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. “Chứng kiến Chính phủ và nhân dân Việt Nam đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ứng phó với dịch bệnh thực sự làm tôi thấy rõ hơn tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Tôi đã chứng kiến cả một dân tộc xích lại gần nhau, xả thân, hy sinh vì lợi ích của con người và đất nước”, anh nhấn mạnh.
Đề cập đến việc mình lớn lên trong một xã hội đề cao cá nhân hơn cộng đồng, Horowitz nói rằng anh “không thể không nhận thấy và có sự so sánh” về kết quả đối lập của cách tiếp cận theo chủ nghĩa cá nhân với cách tiếp cận xã hội chủ nghĩa trong việc khống chế dịch bệnh. “Cách tiếp cận xã hội chủ nghĩa không chỉ đảm bảo cho người dân được an toàn hơn mà còn bảo tồn đáng kể nền kinh tế mà người dân cần để tồn tại. Tại quê hương của tôi, hàng trăm nghìn người đã tử vong và nền kinh tế bị đảo lộn. Trong khi đó, mọi người vẫn tranh cãi về việc họ muốn đeo khẩu trang hay không vì họ chỉ quan tâm đến sự thoải mái của bản thân mình chứ không quan tâm đến cộng đồng”, anh nói.
Vẫn theo Horowitz, chứng kiến sự đối lập này, anh nhớ lại những bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam để lại, trong đó Người cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân. “Đây là những bài học tôi mong tất cả mọi người trên thế giới đều hiểu và ghi nhớ vì chúng ta sẽ an toàn hơn và có cuộc sống tốt hơn nếu chúng ta quan tâm đến nhau, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy”, anh nói thêm.
Đề cập đến việc các nước hiện đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân, bằng sự quan sát của mình, Amiad Horowitz khẳng định: “Tôi lại một lần nữa không thể không nhận thấy cách tiếp cận xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn nhiều”. “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mọi người đã quyên góp tiền bạc và thời gian để đảm bảo rằng sẽ có đủ vaccine cho mọi người, càng sớm càng tốt. Còn ở nước tôi, vaccine thừa đủ cho tất cả mọi người nhưng nhiều người đã bị “ngộ độc” vì những thông tin sai lệch về vaccine nên đã từ chối sử dụng”, anh nói.
Theo Amiad Horowitz, ở một số nơi trên thế giới, chính quyền thậm chí phải tổ chức các cuộc thi và treo giải thưởng để người dân đồng ý tiêm chủng. Vậy mà, nhiều người theo chủ nghĩa cá nhân này vẫn từ chối vì sợ vaccine có thể ảnh hưởng xấu đến họ - điều vốn cực kỳ khó xảy ra - mà không quan tâm đến mong muốn của những người khác muốn đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Trong khi đó, ở Việt Nam, anh thấy những thông tin sai lệch như vậy không có và mọi người đều đồng lòng cùng hành động vì lợi ích cộng đồng, vì dân tộc và đất nước.
So sánh cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và một số nước trên thế giới, Horowitz nói rằng anh thấy sự khác biệt nổi lên là cách tiếp cận tập trung vào giá trị nhân văn. Anh cho rằng đó chính là sự thể hiện của chính sách lấy con người làm trung tâm, hay nói cách khác chính là tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn luôn duy trì. Horowitz tự cho mình là người may mắn khi được sống tại Việt Nam, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.
"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"