'Đảng viên đi trước, làng nước đi sau' trong cuộc chiến COVID-19: Bài 3 - Mỗi Đảng viên là một chiến sĩ

(PLVN) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Người Đảng viên, dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp, ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành thì người Đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo”.
Bà Phạm Thị Như Hồng (đứng giữa), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng tại một điểm phong tỏa trên địa bàn.
Bà Phạm Thị Như Hồng (đứng giữa), Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng tại một điểm phong tỏa trên địa bàn.

Lời dặn dò này của Bác Hồ đã được các Đảng viên từ Trung ương tới cấp sở tâm niệm, làm theo trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Đảng viên hơn 70 tuổi cũng xung phong trực chốt

Ông Nguyễn Hữu Phan, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Lỗ Giao, xã Việt Dũng, huyện Đông Anh (Hà Nội), nhớ lại: “Ngay khi nhận được thông báo hai ca F0 trong thôn, chúng tôi không quá lo lắng quá vì đã tính đến khả năng này. Tôi chủ động cắt cử các cụm dân cư an toàn, mỗi bộ phận phụ trách một việc. Riêng hai trường hợp F0 thì phân công Phó bí thư chi bộ thôn và Phó trưởng thôn, mỗi người phụ trách một trường hợp, có nhiệm vụ rà soát mọi đối tượng tiếp xúc, xem xét lịch trình di chuyển của bệnh nhân; đồng thời khoanh vùng tất cả F1, F2...”.

Ông Nguyễn Hữu Phan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Ông Nguyễn Hữu Phan, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh nhận Bằng khen của Thủ tướng.

Dù trước đó ông Phan và các cán bộ thôn đã được tập huấn các phương án chống dịch, nhưng có những tình huống vào thực tế mới thấy khó khăn. Thôn có hơn 2.200 dân, chưa kể hàng trăm công nhân thuê trọ trên địa bàn, quản lý chặt chẽ ra sao?

Không chỉ với cách làm truyền thống, thủ công là “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, dùng loa tuyên truyền… Bí thư thôn còn tận dụng triệt để công nghệ thông tin, mạng xã hội áp dụng vào cuộc chiến chống đại dịch. Ông lập nhóm trên Zalo, Facebook… kết nối người dân, qua đó cập nhật thông tin một cách nhanh nhất về diễn biến dịch bệnh trong thôn, cũng như các thông tin diễn ra hàng ngày, như ai đến, ai đi, những người dân nào đau ốm cần sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ y tế...

Với vai trò Bí thư Chi bộ thôn kiêm Trưởng thôn, ông Phan luôn ý thức được trách nhiệm: “Từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay, chưa bao giờ tôi dám xao nhãng, mất tập trung. Trong suốt 21 ngày cách ly y tế, làm việc xuyên đêm, có những hôm chỉ về nhà tắm rồi lại đi chống dịch, những lúc mệt quá chỉ dám thiếp đi một lát”.

Ngoài các cuộc họp thôn liên tục được tổ chức, còn có các cuộc họp cấp ủy chi bộ để tuyên truyền cho Đảng viên, đồng thời phân công nhiệm vụ cho tất cả ban, ngành trong thôn. Tiểu ban phòng chống dịch được kích hoạt, gồm 27 người đại diện từng ngõ xóm, từ Đảng viên, giáo viên mầm non, cộng tác viên y tế… cùng chung tay phòng chống dịch. Tất cả cán bộ, Đảng viên, người dân đều đồng tâm, thậm chí có Đảng viên hơn 70 tuổi cũng xung phong trực chốt buổi sáng sớm.

Nhờ cách làm hiệu quả, sáng tạo, mô hình cách ly “3 lớp”, tinh thần “mỗi Đảng viên là một chiến sĩ”, tình hình dịch trên địa bàn huyện Đông Anh cơ bản đã được kiểm soát; các hoạt động bầu cử được bảo đảm an toàn, đúng tiến độ.

Là một trong bốn cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Bí thư thôn Lỗ Giao xúc động: “Tôi rất vui, bất ngờ và không bao giờ nghĩ mình làm việc để được nhận Bằng khen của Thủ tướng. Tôi chỉ cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể để đảm bảo an toàn cho người dân, trong đó có bản thân và gia đình mình”.

Ông Phan Tấn Cả, Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng tại khu vực Phước Lý chia sẻ với Phóng viên Báo PLVN. Ảnh chụp trước 29/4.

Ông Phan Tấn Cả, Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng tại khu vực Phước Lý chia sẻ với Phóng viên Báo PLVN. Ảnh chụp trước 29/4.

Tự hào trách nhiệm Đảng viên

Tại Thanh Hóa, những ngày phòng chống dịch COVID-19, Đảng viên Lương Thị Minh, Y tá Trạm Y tế phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) nhiều ngày không có thời gian nghỉ ngơi: “Nhiều hôm chúng tôi làm xuyên trưa, thức trắng đêm; lắm lúc vừa bê bát cơm lên, chưa kịp ăn thì được thông báo có người từ vùng dịch về, thế là bỏ vội bát cơm xuống để đi kiểm tra, xác minh cho kịp thời. Thậm chí, có hôm đang nửa đêm, nhận được điện thoại từ đồng nghiệp hoặc cấp trên là lập tức lên đường”.

Căng thẳng, áp lực với nguy cơ lây nhiễm thường trực vì tiếp xúc với nhiều đối tượng thuộc diện F1, F2… nhưng bà Minh tâm sự chưa bao giờ nao núng, khi đã được giao nhiệm vụ phải cố gắng hoàn thành thật tốt.

Công việc của các cán bộ, nhân viên y tế phường Hàm Rồng trong đợt dịch COVID-19 là tuyên truyền nhân dân thực hiện tốt khẩu hiệu 5K; giám sát các đối tượng từ vùng dịch về để theo dõi, sàng lọc, cách ly; truy vết thần tốc khoanh vùng các trường hợp F1, F2; phun tiêu độc khử trùng… Những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng không cho phép một phút lơ là, chủ quan, bởi chỉ một sơ sảy nhỏ có thể dẫn đến hậu quả vô cùng lớn. “Tôi luôn xác định rõ mình không chỉ thực hiện vai trò, trách nhiệm của người cán bộ y tế, mà còn phải thực hiện với trách nhiệm người Đảng viên”, bà Minh nói.

Tại Đà Nẵng, bà Phạm Thị Như Hồng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cho biết, với đặc thù dân cư, phường có hơn 15 ngàn hộ, 60 ngàn khẩu, việc ứng phó nếu không kịp thời sẽ mất kiểm soát tình hình dịch bệnh. 31 Tổ COVID-19 cộng đồng đã được thành lập, các Tổ trưởng đều cơ cấu là các Bí thư Chi bộ.

“Khi Bí thư Chi bộ làm Tổ trưởng Tổ COVID-19, khả năng chỉ đạo cho các chi bộ luôn được đảm bảo tính đoàn kết, nhất quán, kịp thời cao nhất. Các bí thư còn tiên phong, gương mẫu; lồng ghép nhiều đề xuất, lập danh sách, kiến nghị cho phường những vấn đề rất sát với hình hình, diễn biến của địa phương… thông qua các kênh chỉ đạo của cấp ủy cao hơn”, bà Hồng nhận định.

Đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua diễn ra trước và cùng thời điểm bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nên song song phòng chống dịch, còn là công tác tuyên truyền cho bầu cử. Đảng viên Phan Tấn Cả (Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng tại khu vực Phước Lý, kiêm thành viên Tổ bầu cử 16 Hòa Minh) đã phát huy vai trò sáng tạo. Trước thực tế trong các khu vực cách ly, bà con không thể ra ngoài đến các điểm niêm yết, ông Cả đưa ra phương án cung cấp tờ gấp tuyên truyền. Kiến nghị này nhanh chóng được quận ghi nhận triển khai. Bản thân Đảng viên Phan Tấn Cả cũng trong bộ quần áo bảo hộ y tế đi từng nhà vừa tuyên truyền phòng dịch, vừa thông tin về cuộc bầu cử cho cử tri.

Những việc làm của hàng triệu Đảng viên như ông Cả, ông Phan, bà Hồng, bà Minh… đã góp phần giúp Việt Nam thực hiện được “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống đại dịch, vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử trong thời gian qua. (Còn tiếp)

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm